Nếp xưa - tục cổ ngày tết ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Khi những cơn mưa bụi bắt đầu buông mành giữa đất trời, những tất bật của đời sống cũng như chậm lại, lòng người lại nghiêng về những không gian xưa cổ... Người người, nhà nhà lại xắm nắm sửa soạn cho những nếp xưa, tục cổ trong ngày tết cổ truyền...

Lễ chùa đầu năm - nét đẹp văn hóa tâm linh

Nếp xưa - tục cổ ngày tết ở Hà Tĩnh

Người dân đi lễ chùa đầu năm tại chùa Nhiễu Long, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn. (Ảnh tư liệu của Minh Lý)

Sau thời khắc giao thừa, khi đất trời chuyển mình sang năm mới là lúc người dân khắp các miền quê cùng nhau đến đền, chùa đi lễ, cầu may mắn, tài lộc, bình an. Phong tục đi lễ đền chùa ngày tết ngày càng phổ biến, trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Tĩnh.

Trong suốt dịp Tết Nguyên đán, hầu như ngôi chùa nào cũng mở cửa và bài trí rất trang trọng. Trong không gian linh thiêng ấy, người già, người trẻ đều chắp tay niệm Phật, thành tâm hướng về nguồn cội, hướng về cõi Phật và tin tưởng vào một năm mới tốt đẹp hơn.

Đi lễ chùa đầu năm không chỉ có ý nghĩa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng mà còn là dịp để tâm thức mỗi người hướng tới cái thiện. Đó cũng chính là sự khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới.

Lễ tế Đức tổ Thánh thợ rèn ở Trung Lương - nhớ ơn tiền nhân

Làng rèn Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) nổi tiếng từ bao đời nay. Ngày nay, tuy người giữ nghề không nhiều nữa nhưng các thế hệ người dân Trung Lương vẫn không quên ơn tiền nhân. Hàng năm, cứ đến ngày 7 tháng giêng, phường Trung Lương lại tổ chức lễ tế Đức tổ Thánh thợ rèn. Qua đó, giáo dục con cháu nhớ đến người đã có công truyền dạy nghề và biết giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.

Nếp xưa - tục cổ ngày tết ở Hà Tĩnh

Lễ tế Đức Thánh tổ nghề rèn Trung Lương diễn ra vào mồng 7 tháng Giêng hàng năm (Ảnh: Giang Nam)

Theo truyền thuyết, người khai sinh ra nghề rèn là ông Đùng. Thấy dân không có dụng cụ sản xuất, ông Đùng bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây rừng đốt thành than rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà rồi vui vẻ truyền nghề lại cho dân làng. Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn Trung Lương. Về sau, dân làng nhớ công đức của ông đã đúc tượng lập đền thờ tại rú Tiên, nằm ngay giữa làng và gọi là đền thờ Đức Thánh thợ.

Tại lễ tế Đức tổ thánh thợ rèn được tổ chức đầu năm mới, mỗi tổ dân phố, nhóm thợ rèn trong phường đều có lễ vật dâng lên Đức Thánh tổ. Đây cũng là dịp để nhân dân, con cháu Trung Lương đang sinh sống và làm việc trên mọi miền đất nước quây quần, sum họp; đặc biệt là dịp để những người làm nghề rèn gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất nghề rèn truyền thống của cha ông.

Đi lễ nhà thờ họ - trở về nguồn cội

Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, thay đổi của cuộc sống, nhưng việc đi nhà thờ họ đầu năm vẫn được các họ tộc lưu giữ. Việc làm này thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống của người Việt, nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn đạo lý của gia đình, uống nước nhớ nguồn, không được quên nguồn gốc tổ tiên. Đó còn là cách để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội của mình, để từ đó phấn đấu tốt hơn trong công việc, học hành.

Nếp xưa - tục cổ ngày tết ở Hà Tĩnh

Con cháu dòng tộc họ Đinh Nho (Hương Sơn) tại Nhà thờ họ trong ngày đầu xuân (Ảnh tư liệu của Minh Lý)

Sáng mùng một tết, đi lễ nhà thờ họ còn là dịp để con cháu chúc thọ các bậc cao niên, anh em họ hàng, sau là sum họp, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp nhất nhân dịp đầu xuân. Trong không gian nhà thờ, người lớn tuổi nhất trong dòng họ kể về truyền thống dòng họ để con cháu ghi nhớ.

Bởi vậy, hàng năm, dù đi đâu về đâu, đến Tết cổ truyền, mọi người đều cố gắng thu xếp để trở về với quê hương, gia đình, dòng họ...

Cờ thẻ, cờ người - thú chơi độc đáo đầu xuân

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, cờ thẻ, cờ người luôn giữ cho mình nét đặc trưng của một trò chơi dân gian trí tuệ. Hiện nay, ở nhiều vùng quê Hà Tĩnh, các trò chơi này đang được khôi phục mạnh mẽ và thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Nếp xưa - tục cổ ngày tết ở Hà Tĩnh

Kỳ thủ cờ thẻ tại giải cờ thẻ đầu xuân do thành phố Hà Tĩnh tổ chức (Ảnh tư liệu của Quáng Sáng)

Nếu như trước đây, cờ thẻ chỉ thu hút người cao tuổi thì ngày nay đã có nhiều thanh niên tham gia. Mỗi người khi cầm quân cờ trên tay, đi luồn lách giữa sơ đồ để chơi đều có cảm giác như mình đang nắm trong tay vốn quý của cha ông. Bởi thế, mỗi nước cờ trong ván cờ thẻ giữa không khí ấm áp của mùa xuân đều thấm đượm hồn dân tộc.

Nếp xưa - tục cổ ngày tết ở Hà Tĩnh

Giải cờ thẻ mừng xuân luôn thu hút đông đảo khán giả (Ảnh tư liệu của Quáng Sáng)

Đến với một trận cờ, mỗi người chơi được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử, với niềm tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc. Cờ thẻ, cờ người đẹp ở sự bình dị mà tinh tế, trầm tĩnh mà đậm nét truyền thống hào hùng của dân tộc.

Với nhiều ý nghĩa, trò chơi cờ thẻ, cờ người đã tạo nên điểm nhấn thú vị, đậm đà nét mộc mạc của làng quê trong không khí tưng bừng với sắc xuân trên mọi miền quê Hà Tĩnh, khiến cho con người và trời đất được giao hòa, gắn kết với hy vọng bao điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…

Đua thuyền truyền thống - nét văn hóa cổ truyền đầu năm mới

Trong rất nhiều lễ hội văn hóa dịp đầu xuân năm mới, đua thuyền là một trong những lễ hội độc đáo, thu hút sự tham gia của nhiều người dân nhất. Sau những ngày tết ấm áp, cư dân một số vùng ven sông như Hương Sơn, Đức Thọ, Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh... lại cùng nhau tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông.

Nếp xưa - tục cổ ngày tết ở Hà Tĩnh

Lê hội đua thuyền truyền thống phường Trung Lương (T.X Hồng Lĩnh) trên sông Minh được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 3 tháng Giêng (Ảnh: Giang Nam)

Tùy vào mỗi địa phương mà lễ hội diễn ra trong những ngày khác nhau. Nhưng nhìn chung, các lễ hội này đều nhằm cảm tạ thần linh đã phù trì, phù hộ cho nhân dân có nhiều may mắn trong năm qua. Đây cũng là dịp để bà con nhân dân rèn luyện sức khỏe và cùng cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Nếp xưa - tục cổ ngày tết ở Hà Tĩnh

Lễ hội đua thuyền truyền thống phường Trung Lương là dịp để bà con giao lưu, gặp gỡ đầu xuân và cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. (Ảnh: Giang Nam)

Đua thuyền truyền thống cũng là dịp để thanh niên, trai tráng thể hiện khí lực và sự dẻo dai của bản thân, là nơi tề tựu, gặp gỡ đầu xuân năm mới của mọi người, đặc biệt là những người con xa quê tìm về với cội nguồn, hồn quê xứ sở. Chính vì thế, việc đi xem và cổ vũ cho lễ hội đua thuyền đã trở thành một thói quen, một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng không lẫn vào đâu được của mỗi người dân ven các con sông mỗi dịp tết đến xuân về.

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast