Ở tuổi xưa nay hiếm, đôi chân không còn lành lặn, vậy nhưng cụ Phan Công Hường (ngoài cùng bên phải) vẫn nhiệt huyết muốn “truyền lửa” sắc bùa cho thế hệ trẻ
Năm nay đã 84 tuổi nhưng cụ Phan Công Hường (thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh) vẫn nặng lòng với những làn điệu sắc bùa quê hương. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ Hường vẫn rất tâm huyết với việc “truyền lửa” sắc bùa cho thế hệ trẻ. Cụ chia sẻ: “Thuở 14, 15, tôi đã theo chân các anh chị đi tập hát. Từ chỗ chỉ được tham gia phần sắc (hát bè), tôi đã được cầm trịch (lĩnh xướng).
Tiếng hát, tiếng trống của đội sắc bùa chúng tôi đã ngân vang, để lại dấu ấn trong tâm hồn biết bao người mỗi dịp lễ tết. Một thời gian trong chiến tranh, nghệ thuật hát sắc bùa bị lãng quên, đến khi hòa bình lập lại, sắc bùa mới trở lại trong đời sống văn hóa của nhân dân. Cũng từ đó, tôi bắt đầu gom nhặt lời ca, làn điệu truyền dạy cho các thế hệ. Đến nay, học trò của tôi cũng có những người miệt mài truyền dạy nghệ thuật sắc bùa”.
Những nhạc cụ mộc mạc đơn sơ nối dài những thanh âm sắc bùa của biết bao thế hệ nơi đây...
Thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều người dân, nhất là những người cao tuổi, luôn quan tâm gìn giữ những nếp sinh hoạt quen thuộc của xóm làng. Với họ, đó không chỉ là một thói quen mà còn là văn hóa, là tình cảm, là sự tri ân với thế hệ cha ông. Bởi thế, ở đâu trên các miền quê Hà Tĩnh cũng có những con người rất tâm huyết với văn hóa truyền thống. Trong đó, câu chuyện gìn giữ nghề may nón Đan Du của cụ Lê Thị Trúc (80 tuổi, thôn Liên Miệu, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) khiến chúng tôi rất trân trọng.
Các bà, các chị và cả những em gái quây quần bên nhau đan nón, thi thoảng lại râm ran tiếng cười nói bao câu chuyện đời thường
Cụ Trúc chia sẻ: “Nón Đan Du nổi tiếng trong cả tỉnh từ trăm năm trước. Nhiều thế hệ người Đan Du đã lớn lên nhờ nghề nón, gắn bó với nghề này cả cuộc đời. Những đứa trẻ lên 9, lên 10 đã biết lựa lá, đâm kim. Bởi thế, dù thăng hay trầm, người ta vẫn gìn giữ nghề như gìn giữ những ân tình quê hương. Bây giờ, dẫu thu nhập từ nghề chẳng đáng là bao nhưng gia đình tôi vẫn gắn bó với nghề”.
Bên khung nón, xâu những mũi kim qua lớp lá, mọi buồn vui của cuộc sống cũng trở nên chừng mực
Bởi tình yêu đặc biệt với nghề nên dù tuổi cao, mắt kém nhưng cụ Trúc vẫn may nón và truyền dạy cho cháu chắt. Với cụ, ngồi bên khung nón, xâu những mũi kim qua lớp lá, mọi buồn vui của cuộc sống cũng trở nên chừng mực. Không riêng cụ Trúc, hiện nay, ở Kỳ Thư vẫn còn gần 200 hộ làm nón truyền thống. Trong đó, gắn bó với nghề, phần lớn là các cụ bà. Ngoài việc may nón, các cụ cũng cần mẫn truyền nghề cho những người còn yêu, còn nặng tình với nón lá quê hương.
Mới 12 tuổi nhưng cô bé Nguyễn Thị Thắm đã theo bà học làm nón từ cách đây 2 năm
Gìn giữ hồn quê, nếp làng là câu chuyện được rất nhiều người quan tâm trong thực tế xây dựng nông thôn mới hiện nay. Việc đó có thể được tiến hành một cách sôi nổi cũng có thể rất âm thầm, lặng lẽ. Như cách mà thủ từ Lê Thiếu Kỳ (77 tuổi, thôn 5, xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) đang làm. Được lựa chọn làm thủ từ tại đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên 12 năm nay, với ông Kỳ đó là niềm vinh dự lớn. Mỗi ngày, đúng 6h sáng là ông Kỳ lại có mặt tại đền để bắt đầu công việc hàng ngày của mình.
Ông Lê Thiếu Kỳ (xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) đã gắn bó với công việc thủ từ tại đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên 12 năm nay
Ông Kỳ cho biết: “Nhận công việc này, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về lịch sử ngôi đền. Dù ở đây không tấp nập du khách nhưng là địa chỉ tâm linh của người dân trong làng. Mỗi khi có người đến, nhất là các cháu thiếu nhi, tôi thường trò chuyện với các cháu về truyền thống, lịch sử ngôi đền, về trách nhiệm gìn giữ di tích của thế hệ trẻ, về bài học yêu nước gắn với danh nhân của đền. Tôi cũng luôn khuyến khích người làng duy trì phong tục đi lễ đền vào những dịp lễ, tết, ngày rằm, đầu tháng. Đồng thời mong muốn, xã, huyện sẽ nghiên cứu, xây dựng một lễ hội nào đó gắn với lịch sử, văn hóa của ngôi đền để thông qua đó, lưu giữ bền sâu hơn những giá trị của di tích này”.
Đền thờ Bình ngô Thượng tướng quân Nguyễn Biên ở xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên
Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, những người lặng lẽ gìn giữ nếp làng mà tôi đã gặp không hiếm. Họ chính là người giúp cho những mạch nguồn văn hóa của từng vùng đất chảy mãi…