Thẳng thắn mà nói, Olympic Việt Nam có duyên với ASIAD. Năm 2010, dù chỉ được dẫn dắt bởi HLV tạm quyền Phan Thanh Hùng, nhưng Olympic Việt Nam đã lần đầu trong lịch sử vượt qua vòng bảng. Và 4 năm sau, Olympic Việt Nam của HLV Toshiya Miura đã chơi cực kỳ ấn tượng khi đánh bại Olympic Iran để một lần nữa có mặt ở vòng loại trực tiếp.
Bóng đá Việt Nam luôn tự vấn với câu hỏi, mục tiêu lớn nhất là SEA Games hay những sân chơi cấp châu lục? Thành tích tốt của Olympic Việt Nam và ĐT Việt Nam, của các đội U23, U16, U19 và thậm chí cả sân chơi futsal thời gian qua khiến niềm tin về khả năng hội nhập của bóng đá Việt Nam ngày càng mãnh liệt. Nền bóng đá sẽ có được vị thế lớn hơn nếu có đủ khát vọng và chương trình hành động nhằm thực hiện giấc mơ.
Có lần, HLV Miura cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam, đã đặt câu hỏi: “Tại sao bóng đá Việt Nam không dám nghĩ lớn, dám bước ra đấu trường châu lục?”. Ông Miura có cái lý riêng. Thế nhưng, nhiều người lại cho là nhà cầm quân này không thực tế khi bóng đá Việt Nam chưa thể thống trị đấu trường khu vực thì sao dám tranh bá ở biển lớn Á châu.
Nhưng giờ thì khác, làng túc cầu châu lục không còn coi bóng đá Việt Nam là “kép phụ” nữa, dù chúng ta có ý thức thế nào về mình và đặt mục tiêu ra sao. Nhiều đối thủ coi Olympic Việt Nam là đội bóng cần phải ngăn chặn nếu muốn đi xa hơn.
Cách tiếp cận của bóng đá Việt Nam với sân chơi lớn đã có điều chỉnh. Nó là kết quả từ sự cố gắng của toàn bộ hệ thống trong rất nhiều năm. Tất nhiên, sự điều chỉnh ấy mang đến cho chúng ta nhiều áp lực hơn. Nhưng áp lực không phải là vật cản đường, mà chính là động lực để nền bóng đá hội nhập hơn nữa.