Tấm biển bằng đá trước cổng nhà TS. Nguyễn Quang Cương
Đập vào mắt chúng tôi là hai hàng hiện vật được bày từ ngoài sân vào trong nhà: Các loại lu sành, chum vại, cối đá và cả những chiếc thuyền, cây neo cổ xưa có niên đại hàng trăm năm. Tôi biết TS. Nguyễn Quang Cương (SN 1957) cách đây dăm năm, khi vào Quy Nhơn công tác. Ông là người dạy văn có tiếng ở Đại học Quy Nhơn. Tâm huyết với quê hương, giờ đây, ông lại làm bảo tàng sưu tầm hiện vật cổ.
Những hiện vật được sưu tầm
Hiện vật mà ông Cương sưu tầm khá đa dạng nhưng có thể phân thành các loại: Công cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt, hiện vật thời chiến tranh; bao gồm: đồ tre, đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, đồ sắt và cả đồ hợp kim… Có hiện vật vài chục năm nhưng có hiện vật hàng trăm, ngàn năm. Trong đó, đáng chú ý là hiện vật mộc hóa thạch với niên đại 300 triệu năm được tìm thấy dưới chân núi Chư Sê.
TS. Nguyễn Quang Cương cho hay: “Trước sự đổi mới của quê hương, tôi muốn lưu giữ lại những kỷ vật đã bị quên lãng”. Từ ý nghĩ đó, ông đã âm thầm sưu tập trong ngót nửa thế kỷ. Và, ông đã sở hữu hàng ngàn hiện vật, trong đó nhiều loại quý hiếm, độc đáo, có giá trị văn hóa và lịch sử gắn liền với nền văn minh lúa nước của miền Trung.
Một vị khách lưu lại các khoảnh khắc tại phòng trưng bày hiện vật của TS. Nguyễn Quang Cương
Là ông giáo dạy văn, lớn lên trên vùng quê nghèo nhưng giàu bản sắc văn hóa ở Lộc Hà, TS. Cương từng là học sinh giỏi văn, học trường chuyên, rồi vào thẳng đại học.
Theo TS. Nguyễn Quang Cương: Nông thôn Việt gắn chặt với nền văn minh lúa nước, nơi đó đã nuôi dưỡng những tâm hồn đa cảm, nhờ đó đã có những tác phẩm văn học bất hủ qua nhiều thời kỳ. Vật dụng ngày xưa đều được làm thủ công. Do đó, mỗi hiện vật đều thể hiện sự khéo tay, sắc sảo và cả sự công phu của các thợ lành nghề thời ấy. Họ đã tốn rất nhiều công sức và tâm huyết để làm ra những hiện vật. Quan trọng hơn, từng hiện vật đều gắn với nét văn hóa trong từng thời kỳ.
Một góc “bảo tàng” hiện vật do TS. Nguyễn Quang Cương sưu tầm
Ngoài việc rong ruổi sưu tầm, TS. Cương còn dành thời gian gặp gỡ những chuyên gia bảo tàng và giới sưu tầm đồ cổ khắp mọi miền để nâng cao kiến thức. Kho hiện vật của TS. Cương hiện mới chỉ đón khách là những người thân khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu.
Bà Hoàng Lan - một du khách từ Hà Nội cho hay: “Xem những hiện vật của ông Cương tôi rất thích, đặc biệt là những chiếc cối xay bột gắn với tuổi thơ quê tôi. Nhiều hiện vật giúp nhiều người ôn lại kỷ niệm thời xa xưa mà trong cuộc sống hiện đại không còn nữa”.
TS. Nguyễn Quang Cương (ngoài cùng bìa trái) trò chuyện với các vị khách
TS. Nguyễn Quang Cương tâm huyết: “Tôi muốn con cháu sau này khi tìm hiểu thì được tận mắt chứng kiến, nhìn thấy, sờ thấy các vật dụng thô sơ của cha ông ngày xưa, các nông cụ sản xuất chủ yếu dùng bằng sức người. Mặc dù họ đã lao động gian khổ như thế nhưng vẫn quật cường trải qua các cuộc kháng chiến, gìn giữ toàn vẹn non sông ngày hôm nay. Các thế hệ sau này ngẫm về những người đi trước để cố gắng phấn đấu xây dựng đất nước xứng đáng với công sức cha ông đã bỏ ra.
Tuy nhiên, theo TS. Cương, “công việc mới chỉ mới bắt đầu trong quá trình xây dựng và chưa tổ chức trưng bày chính thức”.