
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/5 cho biết ông đang cân nhắc khả năng lấy 3 tỷ USD tiền tài trợ đã trao cho Đại học Harvard trước đó và chuyển cho các trường dạy nghề trên khắp nước Mỹ.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra trên mạng xã hội Truth Social, chưa đầy 1 tuần sau khi chính quyền của ông chặn Ivy League - nhóm tám trường đại học tư nhân danh giá nhất của Mỹ - tuyển sinh sinh viên nước ngoài.
Tổng thống Trump đã đóng băng khoảng 3 tỷ USD tiền tài trợ liên bang dành cho Đại học Harvard trong những tuần gần đây, khiến ngôi trường này phải khởi kiện để khôi phục nguồn tài trợ.
Tuy nhiên, phần lớn số tiền đó được Quốc hội Mỹ cấp cho Viện Y tế Quốc gia để tài trợ cho nghiên cứu y sinh, nhưng công tác này thường không được thực hiện tại các trường dạy nghề.
Hôm 23/5 vừa qua, một thẩm phán Mỹ đã tạm thời chặn chính quyền Trump thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên nước ngoài của Harvard - chính sách mà Ivy League cáo buộc là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của ông chủ Nhà Trắng nhằm trả đũa nhà trường vì đã phản đối yêu cầu “từ bỏ quyền độc lập về học thuật.”
Phán quyết này mang lại sự cứu trợ tạm thời cho hàng nghìn sinh viên quốc tế, những người phải đối mặt với khả năng phải chuyển trường theo chính sách mà đại học có trụ sở tại Cambridge, bang Massachusetts, cho là “vi phạm trắng trợn” Hiến pháp Mỹ và các luật liên bang khác.
Đại học Harvard tuyển sinh gần 6.800 sinh viên quốc tế trong năm học hiện tại, chiếm 27% tổng số sinh viên của trường.
Giới học thuật Mỹ phản đối quyết định của chính quyền Trump đối với Harvard
Nhật báo “New York Times” ngày 25/5 (giờ địa phương) đưa tin ban lãnh đạo của nhiều trường đại học hàng đầu ở Mỹ đã bị sốc trước thực tế rằng Đại học Harvard không thể tuyển sinh sinh viên quốc tế do bị chính phủ nước này thu hồi giấy phép Chương trình sinh viên và trao đổi khách mời (SEVP).
Sau khi Chính phủ Mỹ đưa ra quyết định thu hồi giấy phép SEVP đối với Đại học Harvard hôm 22/5, Hiệu trưởng Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) Sally Kornbluth đã bày tỏ phẫn nộ, chỉ trích biện pháp này của Washington là đòn giáng chí mạng vào sự ưu tú, tính cởi mở và sáng tạo của nước Mỹ.
Một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu giáo dục bậc cao Đại học California ở Berkeley (UC Berkeley) nhận định biện pháp hiện tại của chính quyền Mỹ đang nhắm vào Đại học Harvard, nhưng đây thực chất là nỗ lực chưa từng có nhằm làm xói mòn quyền tự chủ của toàn bộ các trường đại học hàng đầu ở Xứ Cờ hoa.
Chuyên gia này cảnh báo ý đồ đó sẽ làm suy giảm khả năng thu hút nhân tài nghiên cứu quốc tế đến Mỹ.
Trả lời phỏng vấn kênh tin tức Fox News (Mỹ) ngày 22/5 (giờ địa phương), Bộ trưởng An ninh Nội địa (DHS) Kristi Noem khẳng định Chính phủ Mỹ đang cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp tương tự đối với Đại học Harvard sang cả các trường đại học khác.
Động thái này chứng tỏ chính quyền Trump đang lấy Đại học Harvard làm trường hợp điển hình để cảnh báo các trường đại học khác.
Trong khi đó, Tòa án liên bang ở bang Massachusetts đã chấp nhận đơn kiến nghị của Đại học Harvard và tạm thời đình chỉ hiệu lực của quyết định thu hồi giấy phép SEVP đối với cơ sở giáo dục này./.