Phải chỉ mặt, vạch tên những cán bộ chống lưng, bảo kê

Ông Vũ Mão: “Phải chỉ mặt, vạch tên những ai có vi phạm, khuyết điểm; những phần tử vừa bao che vừa bảo thủ thì phải kỷ luật...”.

Tại hội nghị tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường, hè phố của Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố đã thẳng thắn vạch rõ những tiêu cực, những lợi ích nhóm tồn tại chằng chịt bấy lâu nay. Hơn 80% số quán bia vỉa hè có sự bảo kê của công an, nhiều bãi giữ xe có sự “chống lưng” của lãnh đạo phường, quận, Sở, ngành.

Qua lời nói thẳng của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội "phát lộ" sự yếu kém của các cấp ủy trong việc quản lý cán bộ, đảng viên, vẫn dung túng cho tình trạng bảo kê, chống lưng của cán bộ, đảng viên. Về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

phai chi mat vach ten nhung can bo chong lung bao ke

Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

PV: Ông bàn luận gì về phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung?

Ông Vũ Mão: Tôi cho rằng, những phát biểu đó rất thẳng thắn, chân thành, dám nói rõ thực trạng tồn tại lâu nay. Chúng ta phải dám nói thẳng, nói rõ như vậy để quyết tâm sửa đổi, tiến lên.

PV: Có ý kiến cho rằng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thẳng thắn như vậy thì nên chỉ đích danh cá nhân, tổ chức bảo kê và xử lý kỷ luật luôn một số cán bộ, đảng viên trong vụ việc để làm gương. Bởi việc này không phải mới diễn ra mà đã tồn tại từ lâu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Mão: Việc chỉ đích danh những con người đó ra là rất cần thiết, dư luận cũng đang chờ mong việc đó. Cách đây ít năm, khi trao đổi với đồng chí Bí thư Thành ủy trước đây, tôi đã nói rõ vấn đề tham nhũng.

Nay đồng chí Nguyễn Đức Chung đã nói lên sự thật đó là rất cần thiết để chúng ta xem xét đội ngũ cán bộ với từng đối tượng, con người cụ thể và phải kiên quyết làm, làm đến nơi đến chốn.

PV: Hiện các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM cũng đang ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Theo quan sát của ông, ở các thành phố lớn này có tình trạng chống lưng, bảo kê như Hà Nội hay không?

Ông Vũ Mão: Những hiện tượng đó rất phổ biến, nhưng tôi rất mừng vì ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội cũng kiên quyết làm, tạo thành một phong trào. Các thành phố lớn này nếu làm tốt sẽ trở thành tấm gương cho cả nước. Vì vậy, quan trọng là phải làm sao không “đầu voi, đuôi chuột”.

PV: Dư luận đồng tình với phát biểu thẳng của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, song nhiều người cũng đặt câu hỏi: vì sao sự việc tồn tại rất lâu, người dân biết và lãnh đạo cũng biết nhưng trong các buổi sinh hoạt chi bộ, công tác phê bình và tự phê bình của các cán bộ, đảng viên Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác lại không chỉ ra được?

Ông Vũ Mão: Điều đó nói lên sự yếu kém. Vũ khí phê bình và tự phê bình vô cùng quan trọng, vũ khí đó phải luôn luôn mài sắc, luôn luôn thực hiện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên đều yếu kém, nể nang nhau.

Đây là nguy cơ và nếu chúng ta không kịp thời khắc phục thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, đã là nguy cơ thì phải giải cứu và phải giải quyết một cách căn cơ, cơ bản.

PV: Mới đây, tại hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, các đại biểu cũng chỉ rõ công tác đánh giá cán bộ còn tình trạng nể nang, ngại va chạm và bệnh thành tích. Vì sao chỉ rõ được tồn tại nhưng việc khắc phục lại khó khăn đến như vậy, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Đó là sự thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chúng ta chưa làm một cách bài bản và tận gốc vấn đề này. Dư luận xã hội rất hoan nghênh cách làm của chúng ta mà nổi lên là Quận 1 – TP.HCM nhưng họ cũng rất băn khoăn, lo lắng không hiểu việc làm này có duy trì được lâu dài không. Thực tiễn trong mấy chục năm qua, chúng ta cũng làm sôi nổi, quyết liệt nhưng rồi lại trở về cái cũ. Đây là bài học cần phải rút kinh nghiệm.

Bài học rút kinh nghiệm ở đây cụ thể là phải căn cứ vào pháp luật, làm đúng pháp luật; thứ hai, phải hiểu được lòng dân, cuộc sống nhân dân. Chúng ta đang kiên quyết với những hành động cụ thể như vậy nhưng cũng phải mở hướng cho bà con.

Bởi lâu nay để thả lỏng, tự do và bà con làm ăn kinh doanh như vậy nhưng bây giờ lại thay đổi một cách nghiêm khắc thì sẽ đụng chạm đến quyền lợi, kiếm kế sinh nhai của bà con. Điều này cũng cần được thấu hiểu và góp sức giải quyết bởi việc này tưởng như nhỏ nhưng lại nằm trong một cuộc cách mạng tổng thể.

Tôi cho rằng, sau khi có Nghị quyết của Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) có khởi động của năm 2016 thì năm 2017 phải có chất lượng cao hơn.

PV: Câu chuyện vỉa hè tưởng là nhỏ nhưng lại cho thấy đây là phép thử của nhân dân đối với chính quyền cơ sở địa phương, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Đúng như vậy. Tôi nghĩ rằng, trong không khí này, chúng ta phải làm tiếp, làm tới và phải nghiên cứu một cách bài bản. Ở cơ sở cũng nghiên cứu giải pháp của họ, nhưng cơ bản trên vĩ mô phải có nghiên cứu đầy đủ để có cách chỉ đạo tốt. Trong nhận thức mới về xây dựng nhà nước pháp quyền thì chúng ta phải thể hiện bằng văn bản pháp luật.

PV: Một yếu tố quan trọng nữa là phải siết chặt kỷ cương của Đảng. Qua vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bao che cho những sai phạm tại đơn vị mình, đừng để báo chí và người dân vạch mặt, chỉ tên rồi mới túng túng khắc phục. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Ông Vũ Mão: Rất nhiều vụ việc thông qua báo chí phát hiện thì lãnh đạo mới nắm được rồi mới triển khai, thậm chí triển khai chưa đến nơi, đến chốn. Vì vậy, phải siết chặt đội ngũ, làm rõ đúng sai, từ trên xuống dưới đều phải nghiêm khắc, không nể nang.

Phải chỉ mặt, vạch tên những ai có vi phạm, khuyết điểm; vừa bao che vừa bảo thủ thì phải kiên quyết kỷ luật, loại khỏi đội ngũ những phần tử tiêu cực như vậy. Đó là việc làm rất cần thiết đối với chúng ta.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo VOV

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.