Pháo cao xạ - điều bất ngờ với quân Pháp tại Điện Biên Phủ

(Baohatinh.vn) - Việc xuất hiện pháo cao xạ 37mm tại lòng chảo Điện Biên Phủ là điều bắt ngờ đối với thực dân Pháp.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), thực dân Pháp luôn tự tin cho rằng mình có một lực lượng quân sự vô cùng hùng mạnh, với tổng quân lính 16.000 người, được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng như: pháo 155mm, súng cối 120mm, cùng 1 đại đội xe tăng 18 tấn...

Ngoài ra, với sự yểm trợ của lực lượng không quân, với 227 chiếc máy bay ném bom, tiêm kích, 101 máy bay vận tải trên toàn Đông Dương, thực dân Pháp xác định biến chiến trường Điện Biên Phủ thành chiếc “cối xay thịt” đối với bộ đội Việt Nam.

Việc xuất hiện pháo cao xạ 37mm (pháo phòng không không quân) tại lòng chảo Điện Biên Phủ là điều bắt ngờ đối với chúng, bởi không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu, những khẩu pháo này còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ, khiến chúng hoang mang, lúng túng; để từ đó, bộ đội ta tiến lên giành thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.

Pháo cao xạ - điều bất ngờ với quân Pháp tại Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) ngoài 9 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn sơn pháo 75mm, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm và 4 đại đội súng cối 120mm, Quân đội Nhân dân Việt Nam còn được trang bị 1 trung đoàn pháo cao xạ 37mm với 24 khẩu pháo thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367, đơn vị tiền thân của Binh chủng Phòng không không quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Vừa mới ra đời, trung đoàn đã tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng trong việc khống chế sự hoạt động của máy bay địch, cho đến đoạn cuối của chiến dịch đã cắt đứt hoàn toàn cầu hàng không – con đường tăng viện, tiếp tế duy nhất của quân đội viễn chinh Pháp. Từ ngày 27/3/1954, sân bay Mường Thanh đã bị tê liệt không còn một chiếc may bay nào của địch còn lên xuống được. 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác, trở thành nỗi khiếp đảm của quân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Nhớ lại thời điểm đưa pháo vào trận địa, cựu chiến binh Phạm Đức Cư, tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367 cho biết: ngày 14/3/1954, tiểu đoàn 394 bắt đầu kéo pháo từ Nà Nhạn qua dãy núi Tha Phu Sông cao 1.150 mét so với mực nước biển, trên tuyến đường khoảng 12km dốc cao lên xuống liên tục. Sau khi kéo vào các eo cánh đồng của các bản: Na Hy, Na Tâu, bản Tâu, bản Mển (gần sát đồi Độc Lập) thì lập trận địa ở đó, trong lúc ấy địch vẫn còn cứ điểm chưa đánh ngay trên đầu. Đây cũng là trận địa cuối cùng của 3 đợt kéo pháo sau 2 lần phải kéo pháo vào rồi kéo pháo ra theo phương châm đánh chắc, tiến chắc của Bộ chỉ huy chiến dịch.

Pháo cao xạ - điều bất ngờ với quân Pháp tại Điện Biên Phủ

Nhiệm vụ của tiểu đoàn 394 khi đó là khống chế vùng trời phía Tây, kéo dài hơn 5km từ Độc lập xuống tận khu vực sân bay Hồng Cúm tiêu diệt máy bay, không cho máy bay oanh tạc và thả dù tiếp tế cho quân lính của Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Cùng với tiểu đoàn 383, trung đoàn pháo cao xạ 367 trấn giữ ở vùng trời phía Đông, tiểu đoàn 394 đã tạo thành thế gọng kìm ôm lấy lòng chảo, khống chế toàn bộ vùng trời, bảo vệ cho bộ binh dưới mặt đất an tâm chiến đấu.

“Máy bay địch khi bay trên độ cao hơn 2.000 mét, không đủ tầm thì chúng tôi không bắn. Nếu nó xuống thấp vào tầm cỡ khoảng độ 2.000 mét, hay 1.500 mét đúng tầm bắn thì chúng tôi tập trung tiêu diệt. Thời gian 56 ngày đêm cả trung đoàn chúng tôi là bắn rơi 52 máy bay, bắn làm bị thương 117 chiếc”- cựu chiến binh Phạm Đức Cư cho biết.

Theo phương châm đánh chắc, tiến chắc mà Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra, để đảm bảo cho chiến dịch, bộ đội ta được lệnh kéo pháo về vị trí tập kết ban đầu 2 lần với muôn vàn khó khăn về giao thông, chưa kể việc hỏa lực của địch luôn tìm cách đánh phá.

Trong đêm ngày 25/1/1954, trọng pháo của ta đã được đưa vào vị trí chiến đấu ở các trận địa sát các cứ điểm của địch và sẵn sàng nổ súng tấn công. Tuy nhiên, giữa lúc này, ta phát hiện quân Pháp cũng đã hoàn thành việc tăng cường ồ ạt quân số và vũ khí cho Điện Biên Phủ, nên phải thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chính trong lần kéo pháo ra này, chiến sỹ pháo binh Tô Vĩnh Diện đã dũng cảm lấy thân mình chèn pháo, cứu không để pháo bị rơi xuống vực tại dốc Chuối.

Pháo cao xạ - điều bất ngờ với quân Pháp tại Điện Biên Phủ

Trong khi công binh, bộ binh mở đường thì bộ đội pháo binh bắt tay xây dựng trận địa, trung đoàn 367 đã chọn điểm cao 630 làm địa điểm đặt sở chỉ huy. Đây là quả đồi gần tiểu đoàn 383, cách cụm cứ điểm Him Lam khoảng 3km. Đứng trên đồi này có thể nhìn bao quát lòng chảo Điện Biên và quan sát trận địa địch rất rõ.

Nhờ phối hợp chặt chẽ với các binh chủng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo cao xạ của ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc. Sáng ngày 14/4/1954, đại đội 815 đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay đầu tiên của Pháp. 5 ngày tiếp theo, Trung đoàn 367 tiếp tục bắn rơi 14 máy bay địch, bắn bị thương 25 chiếc khác. Kết thúc chiến dịch, bộ đội phòng không của ta đã bắn rơi tổng cộng 62 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác, tạo điều kiện cho các binh chủng, nhất là pháo binh đối đất, công binh và bộ binh ở các tuyến hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, đội trưởng cối 82 ly, đại đội 290, tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 cho biết: “Lúc đầu thực dân Pháp chưa biết quân đội ta có pháo cao xạ, nên mới vào trận rất hung hăng. Máy bay cứ đi từng tốp, mỗi tốp 3 máy bay, 3 tốp là 9 máy bay, cứ tốp này bắn phá xong tốp kia lại đến. Nhưng sau khi pháo cao xạ của ta bắn lên, lúc ấy địch mới phát hiện và tránh xa, không dám hung hăng như trước nữa. Thời điểm đó, pháo cao xạ đã hỗ trợ cho bộ binh rất lớn, nếu không sẽ rất khó khăn”.

66 năm đi qua, nhưng huyền thoại về pháo cao xạ - nỗi khiếp đảm của quân Pháp vẫn là những câu chuyện đã, đang được truyền lại để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay. Di tích đường kéo pháo và trận địa pháo tại xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên ngày nay vẫn đang hiên ngang, là dấu tích cho thấy kỳ tích của lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ trong công cuộc đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc./.

Theo VOV

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Chủ đề 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.