Dịch vụ cho vay tài chính: Thả nổi, thiếu quản lý

(Baohatinh.vn) - Vài năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh, những biển hiệu quảng cáo “cầm đồ” dần vắng bóng và thay vào đó là các biển hiệu “tư vấn tài chính”, “hỗ trợ tài chính”… Mới đây, cơ quan chức năng đã “cất mẻ”, và đằng sau vỏ bọc ấy là những dấu hiệu của hoạt động tín dụng đen…

Khi lực lượng Công an Hà Tĩnh khám xét khẩn cấp 5 cơ sở dịch vụ tài chính trên địa bàn, đằng sau vỏ bọc của những cơ sở được gọi là “hỗ trợ tài chính”, “dịch vụ tài chính” đã lộ rõ các hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen).

Đây là đợt “mở màn” cho nhiệm vụ “xóa sổ” các tổ chức cho vay nặng lãi núp bóng doanh nghiệp trong thời gian tới của lực lượng chức năng.

Dịch vụ cho vay tài chính: Thả nổi, thiếu quản lý

Tang vật thu giữ tại Công ty An Tín

Mặc dù các đoàn thể, người dân địa phương đã cố gắng bóc gỡ, làm sạch các quảng cáo, rao vặt nhưng chúng tôi vẫn dễ dàng liên hệ được với một đơn vị cho vay tiền trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Sau khi bày tỏ mong muốn được vay 20 triệu đồng tiền mặt, tôi được chủ nhân số điện thoại 0961.xxx.xxx thông tin ngắn gọn: vay 20 triệu thì mỗi ngày phải trả góp 600 nghìn đồng trong 40 ngày. Ngày nào cũng có người đến thu.

Dịch vụ cho vay tài chính: Thả nổi, thiếu quản lý

Những bức tường chi chít thông tin về cho vay tiền, cho vay trả góp...

Theo tính toán, với mức trả như vậy, lãi suất sẽ tương ứng với 150%/năm trong khi theo thông tin từ Trưởng phòng Tổng hợp nhân sự và Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh Hà Tĩnh Bùi Thị Huệ: Mặt bằng lãi suất cho vay VND trên địa bàn Hà Tĩnh phổ biến ở mức 6,5% đối với ngắn hạn ở lĩnh vực ưu tiên, 7 - 9%/năm đối với ngắn hạn thông thường và từ 9% - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Đối chiếu với Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”

Tìm hiểu sâu về vấn đề này, người viết cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng của cơ quan chức năng về việc ai quản lý các cơ sở kinh doanh tài chính này? Quản lý như thế nào? Vậy là, vô hình trung, nếu như không có sự vào cuộc của lực lượng công an như mới đây, hệ thống các cơ sở kinh doanh theo hình thức này vẫn hoạt động biến tướng ngoài vòng pháp luật.

Liên quan đến tài chính, tín dụng, chắc hẳn đơn vị nghĩ đến đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, đến thời điểm 31/12/2017, cả nước chỉ mới có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Và điều đáng nói, hiện tại, không có công ty nào đặt trụ sở chính tại Hà Tĩnh (kể cả chi nhánh và phòng giao dịch). Như vậy, hàng trăm “công ty tài chính”, “dịch vụ tài chính” giăng biển nhan nhản trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay là một hình thức hoạt động tín dụng bất hợp pháp hoặc “núp bóng” dưới hoạt động cho vay tài chính hợp pháp là dịch vụ cầm đồ.

Khi tìm hiểu về Công ty TNHH MTV Nam Huỳnh (chủ công ty là một trong 7 đối tượng có dấu hiệu thực hiện hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, phạm vào Điều 201 Bộ luật Hình sự) được biết, ngành nghề đăng ký hoạt động chính của công ty trên hệ thống đăng ký kinh doanh do Phòng Đăng ký doanh nghiệp - Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cung cấp là dịch vụ cầm đồ. Tuy vậy, trên biển hiệu quảng cáo tại địa chỉ Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh lại nổi bật với dòng chữ “Dịch vụ tài chính”.

Dịch vụ cho vay tài chính: Thả nổi, thiếu quản lý

Công ty TNHH MTV Nam Huỳnh treo biển Dịch vụ tài chính.

Gõ cửa Sở KH&ĐT - cơ quan quản lý Nhà nước về việc cấp phép hoạt động, chúng tôi được biết, loại hình doanh nghiệp hoạt động dịch vụ này cũng tương đối đa dạng. Có thể là công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, cũng có thể chỉ là hộ kinh doanh cá thể.

Theo Phó trưởng phòng Doanh nghiệp và đầu tư - Sở KH&ĐT Nguyễn Đình Diệu, hầu hết các cơ sở đăng ký ngành nghề chính là dịch vụ cầm đồ - ngành nghề có điều kiện, còn nếu đăng ký hoạt động tín dụng phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, công tác hậu kiểm các DN sau khi cấp phép mặc dù được Sở KH&ĐT triển khai thường xuyên nhưng gần như chưa có một chuyên đề riêng về lĩnh vực này.

Dịch vụ cho vay tài chính: Thả nổi, thiếu quản lý

Trong khi thông tin đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH MTV Nam Huỳnh được Sở KH&ĐT cung cấp lại ghi rõ ngành nghề chính là "dịch vụ cầm đồ"

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo Nghị định 96 đã chuyển hướng sang hình thức kinh doanh này để tránh những yêu cầu về giấy phép. Vậy là, các biển quảng cáo “hỗ trợ tài chính”, “tư vấn tài chính”, “dịch vụ tài chính” xuất hiện như mời gọi và dễ dàng trở thành “cứu cánh” cho nhiều người mỗi khi “bí”… tiền.

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp trên địa bàn từ đầu năm lại nay đã gióng lên hồi chuông báo động về ảnh hưởng của các tổ chức, cơ sở này đến tình hình an ninh xã hội. Hoạt động kinh doanh này đang có xu hướng phát triển nhưng các quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ vẫn chưa được ban hành kịp thời, tạo kẽ hở để các đối tượng, tổ chức lợi dụng hoạt động ngoài vòng pháp luật.

Vậy nên, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần xem xét một cách nghiêm túc tình trạng này để tránh “bung bét”, thả nổi, ảnh hưởng đến đời sống yên bình của nhân dân.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast