Các đối tượng đòi nợ thuê gây rối trật tự công cộng tại xóm Bắc Phú, xã Thạch Trung (TP. Hà Tĩnh), bị Công an Tp Hà Tĩnh bắt giữ cùng tang vật. Ảnh Lê Thành (1/2018)
Từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay tài chính bất hợp pháp (“tín dụng đen”). Điển hình là 2 vụ giết người có sử dụng “vũ khí nóng” liên tục xảy ra ở Đức Thọ, Kỳ Anh đều xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp địa bàn làm ăn, có liên quan đến các đối tượng trong các cơ sở cho vay tài chính trái phép.
Do mâu thuẫn, tranh chấp trong hoạt động “tín dụng đen”, Nguyễn Xuân Tập cùng với một nhóm gồm 8 đối tượng, trong đó có T.C.N (SN 1984, trú tại thôn Thanh Đình, xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ) kéo đến nhà tìm Lê Hoàng Anh (SN 1988, trú tại thôn Yên Cường, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, là chủ hiệu cầm đồ tại địa phương). Khi các đối tượng trên tập trung trước nhà Lê Hoàng Anh, T.C.N đi vào cổng trước thì bị Lê Hoàng Anh phục sẵn dùng súng bắn trúng vào vùng ngực và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Nạn nhân và ngôi nhà nơi xảy ra vụ án mạng: Lê Hoàng Anh bắn chết anh T.C.N. Ảnh: NN (tháng 9/2018)
Từ đầu năm 2018, Nguyễn Xuân Thông (SN 1987, trú tại xã Yên Hồ, Đức Thọ) vào xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) mở cơ sở dịch vụ tài chính Đại Tín. Một thời gian sau, Nguyễn Tùng Lâm (SN 1985, trú tại phường Sông Trí, TX Kỳ Anh) vào mở một cửa hàng dịch vụ tài chính ngay sát cơ sở của Thông mang tên Tùng Lâm. Thế là mâu thuẫn xẩy ra.
Sau khi thách thức nhau trên điện thoại, Lâm cùng với Nguyễn Quốc Thảo (SN 1988), Phạm Anh Tuấn (SN 1980) cùng trú tại phường Sông Trí (TX Kỳ Anh); Trần Công Tiến (SN 1977, trú tại xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh) và Nguyễn Văn Giáp (SN 1994, trú tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) điều khiển xe ô tô đi tìm Thông và Đào Ngọc Tuấn (SN 1987, trú tại Đức Dũng, Đức Thọ, đi cùng xe với Thông) để dằn mặt. Khi xe của Thông đang lưu thông trên QL 1A, thì bị nhóm của Lâm phát hiện đuổi theo. Hai bên rượt đuổi chèn ép nhau nhiều vòng đoạn qua xã Kỳ Đồng và dừng lại khi xe của Lâm đâm mạnh vào xe của Thông.
Nguyễn Tùng Lâm và các đối tượng bị Phòng CSHS (Công an Hà Tĩnh) khởi tố về giết người” trên QL 1A, đoạn qua xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào ngày 16/10/2018.
Lúc này, Thông vẫn ngồi trên xe, Tuấn xuống xe rút súng tiến về phía xe của Lâm. Thấy vậy, Lâm và đồng bọn cầm kiếm, dao lao về phía Tuấn khống chế tước súng, đồng thời chém xối xả vào người. Ngay sau đó, Tuấn được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên tử vong vào ngày 17/10/2018.
Đó là các vụ việc điển hình, liên quan đến các hoạt động đòi nợ của các tổ chức “tín dụng đen” thời gian qua ở Hà Tĩnh. Ngoài ra còn có các vụ đổ chất bẩn, chất thải xảy ra ở TP Hà Tĩnh; thuê các đối tượng hình sự đến nhà đòi nợ trái phép xảy ra tại Thạch Hà, Can Lộc; dùng súng bắn bi bắn vào nhà để uy hiếp tinh thần, gây áp lực đòi nợ ở Hương Sơn…
Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, các loại hình cho vay dưới các tên gọi như “dịch vụ hỗ trợ tài chính”, “dịch vụ cầm đồ - cho vay tài chính”, “Cho vay tín chấp”… mọc lên như "nấm sau mưa".
9 đối tượng đòi nợ thuê bị công an TX Kỳ Anh bắt giữ: Bùi Văn Tài (SN 1985, trú tại xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Nguyễn Đức Tuấn (SN 1989, trú tại Thạch Bằng, Lộc Hà); Trương Hữu Sơn (SN 1989), Nguyễn Trí Anh Đức (SN 1991), cùng trú tại Thạch Long, Thạch Hà; Bùi Thế Hưng (SN 1996), Hoàng Trần Viết Nhật, cùng trú tại phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh; Nguyễn Phi Vũ (SN 1994, trú tại Thạch Linh, TP Hà Tĩnh); Nguyễn Phi Tuấn (SN 1998, trú ở phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) và Trần Hậu Quốc (SN 1999, trú tại xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh). Ảnh: Thu Cúc (tháng 5/2018)
Theo thống kê của lực lượng chức năng, trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 300 cơ sở đăng ký hoạt động dịch vụ cầm đồ và hầu hết các cơ sở này đều trưng biển cho vay tài chính (tín chấp). Trong khi đó, đến thời điểm 31/12/2017, cả nước chỉ mới có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Và điều đáng nói là hiện tại không có công ty nào đặt trụ sở chính tại Hà Tĩnh (kể cả chi nhánh và phòng giao dịch).
Như vậy, các “công ty tài chính”, “dịch vụ tài chính” giăng biển nhan nhản khắp nơi là một hình thức hoạt động tín dụng bất hợp pháp hoặc “núp bóng” dưới hoạt động cho vay tài chính hợp pháp là dịch vụ cầm đồ. “Khi mà hoạt động cầm đồ không diễn ra như đúng tên gọi của nó là cho vay có cầm cố tài sản thì việc vi phạm pháp luật là điều hiển nhiên”, một cán bộ điều tra hình sự Công an Hà Tĩnh cho hay.
Như đã phân tích ở trên, "tín dụng đen" bao giờ cũng gắn với hoạt động thu hồi nợ bất hợp pháp, và từ hoạt động đòi nợ bất hợp pháp còn phát sinh các hành vi phạm tội như cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản và thậm chí là giết người.
Có thể khẳng định, việc cho vay tài chính bất hợp pháp hay còn gọi là “tín dụng đen” chính là nguồn gốc làm phát sinh các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thiết nghĩ, để kiềm chế, tiến tới ngăn chặn triệt để hoạt động này, cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong việc cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các hoạt động công chứng, nhất là công chứng tư...
Đối với lực lượng công an, cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng, băng ổ nhóm hoạt động tín dụng bất hợp pháp. Đồng thời tập trung điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi đòi nợ trái phép như đe dọa, cố ý gây thương tích, ném chất bẩn, chất thải....