Hà Tĩnh chấn chỉnh công tác xử lý vi phạm hành chính

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm hành chính.

Hà Tĩnh chấn chỉnh công tác xử lý vi phạm hành chính

Đội CSGT - TT (Công an TP Hà Tĩnh) kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển ô tô, xe máy trên các tuyến đường có nhiều phương tiện tham gia giao thông.

Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn Hà Tĩnh đã được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, qua đó đã kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhiều vụ việc vi phạm, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử lý VPHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: trình tự, thủ tục ban hành một số quyết định xử phạt VPHC chưa đảm bảo tính pháp lý; việc lập biên bản VPHC chưa đúng quy định pháp luật, sai sót về nội dung, chưa đảm bảo về thời gian; một số hồ sơ phức tạp còn để xảy ra tình trạng chậm chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử lý; tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn có hồ sơ xử phạt chưa theo đúng quy định, không đúng bản chất và hành vi vi phạm... gây ảnh hưởng đến hiệu quả của việc ban hành quyết định xử phạt VPHC của người có thẩm quyền cũng như công tác quản lý Nhà nước của địa phương.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện, giải quyết, xử lý triệt để các vụ việc VPHC theo đúng quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trong quá trình thực hiện xử lý VPHC cần chú trọng các nội dung như: chỉ đạo người có thẩm quyền khi lập hồ sơ xử phạt VPHC phải đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định, chịu trách nhiệm về việc chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt. Bố trí công chức có chuyên môn, nghiệp vụ tốt thực hiện việc lập hồ sơ xử phạt ban đầu để đảm bảo đúng đối tượng, hành vi, mức xử phạt và đúng thẩm quyền. Quá trình lập các biên bản theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP cần đảm bảo chặt chẽ về thời gian, người có thẩm quyền lập, nội dung, chữ ký của các thành phần tại biên bản, xác định đúng người làm chứng, đại diện chính quyền địa phương.

Trường hợp VPHC không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản VPHC thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản (trừ trường hợp biên bản VPHC được lập trên tàu biển, tàu hỏa) theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2020); không để xảy ra tình trạng hồ sơ chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt quá thời hạn. Xác định và ghi nhận đầy đủ, chính xác các hành vi vi phạm làm cơ sở cho việc xác định đúng thẩm quyền xử phạt theo quy định.

Đối với các vụ việc VPHC đều thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng đơn vị ngành dọc thì biên bản VPHC cần được chuyển ngay đến thủ trưởng các đơn vị ngành dọc xử phạt theo thẩm quyền, tránh trường hợp trình chuyển qua nhiều cơ quan dẫn đến chậm trễ.

Khi xem xét vụ việc vi phạm để xử phạt VPHC, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền đang xử lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo Điều 62 Luật Xử lý VPHC năm 2012. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc nhưng sau đó lại có một trong các quyết định theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2020), trường hợp hành vi có dấu hiệu VPHC thì phải chuyển quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và văn bản đề nghị xử phạt VPHC, không để tình trạng chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền quá 3 ngày làm việc theo quy định của pháp luật.

Chủ động, thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác xử phạt VPHC tại đơn vị mình và đơn vị trực thuộc, kịp thời phát hiện quyết định xử phạt VPHC có sai sót để đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải theo dõi chặt chẽ các quyết định xử phạt VPHC đã ban hành và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Khi có đủ căn cứ theo khoản 1 Điều 86 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2020), cần thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC theo quy định tại Luật Xử lý VPHC năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC 2020), Nghị định số 118/2021/NĐ-CP và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC. Trường hợp người có thẩm quyền tiến hành xác minh để ra quyết định cưỡng chế mà người vi phạm cố tình trốn tránh, trì hoãn hoặc trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế nhưng người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành quyết định cưỡng chế thì lập biên bản để làm cơ sở cho việc tính thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính, làm căn cứ cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế và là căn cứ để xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật nếu tiếp tục vi phạm, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác xử lý VPHC, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND ngày 23/6/2022 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp trong công tác xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Đối với các vụ việc phức tạp hoặc các vụ việc mà người có thẩm quyền đang thụ lý gặp khó khăn, vướng mắc về áp dụng pháp luật, khi lập hồ sơ xử phạt cần kịp thời lấy ý kiến của cơ quan quản lý công tác xử lý VPHC tại địa phương và các cơ quan khác có liên quan để xem xét, giải quyết theo quy định, tránh trường hợp xác định sai thẩm quyền, hành vi hết thời hạn, thời hiệu xử lý.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm và xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Đối với các hồ sơ có sai sót, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân để xử lý kỷ luật theo Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật xử lý VPHC và các văn bản liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast