Phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân

(Baohatinh.vn) - Khép lại năm 2022 với không ít khó khăn, thách thức nhưng kiên định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Hà Tĩnh đã khơi dậy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, góp phần triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.

Khi dân làm chủ

Năm 2022, TP Hà Tĩnh đã có những bước chuyển mới trong nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị. Chỉ trong vòng 1 năm, người dân thành phố đã tự nguyện đóng góp hơn 19,5 tỷ đồng, 30.028 lượt ngày công và hiến 3.326 m2 đất để xây dựng các tuyến đường văn minh, cải tạo và chỉnh trang trên 110 vườn hộ, vệ sinh môi trường được đảm bảo sạch sẽ.

Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân

Với sự đồng lòng của người dân, ngã tư giao nhau giữa đường Lý Tự Trọng và đường Xuân Diệu đã trở nên thoáng rộng, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu chuyển giao thông.

Ông Nguyễn Đức Danh - Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Đoàn kết là bài học có ý nghĩa mọi thời đại. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong toàn dân, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”.

Phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân

Người dân Cẩm Xuyên nhận tiền đền bù GPMB phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam.

Phục vụ dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, huyện Cẩm Xuyên cần GPMB 30,5 km. Trong đó, tuyến chính có tổng chiều dài 27,3 km đi qua 8 xã; đường kết nối có chiều dài 3,2 km. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng GPMB là 1.942 hộ; ngoài ra, một số đơn vị, cơ quan, công trình tâm linh khác ảnh hưởng cần di dời. Sau hơn 6 tháng triển khai, với sự đồng thuận của người dân, hiện nay, huyện đã bàn giao mặt bằng đợt 1 đạt tỷ lệ 79,4% đoạn qua huyện.

Phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân

Cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua huyện Cẩm Xuyên cần GPMB 30,5 km.

Ông Nguyễn Thanh Long - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ngay từ khi có chủ trương, những thông tin liên quan đến dự án, địa phương niêm yết, công khai trên hệ thống truyền thanh cơ sở và thông qua các cuộc họp ở thôn, tổ dân phố để Nhân dân được biết.

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về thực hiện dự án để cung cấp thông tin, giải thích các nội dung người dân quan tâm, có ý kiến. Đây cũng là cơ hội để cấp ủy, chính quyền và chủ đầu tư kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến chính đáng của bà con nhằm tạo sự đồng thuận khi thực hiện dự án”.

Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở

Năm 2022, công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức 391 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân.

Phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân

Thường trực Tỉnh ủy trò chuyện với cán bộ, đoàn viên thanh niên bên lề hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với đoàn viên thanh niên toàn tỉnh.

Trong đó, Thường trực Tỉnh ủy đã trực tiếp đối thoại với hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội: nông dân, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ toàn tỉnh thông qua hội nghị trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, mỗi tháng một lần, lãnh đạo các cấp thực hiện nghiêm túc tiếp dân định kỳ theo quy định.

Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại, tiếp dân được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực như: công tác xây dựng Đảng, chính quyền; nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM; bảo vệ môi trường, GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; văn hóa, giáo dục, y tế; an ninh và trật tự an toàn xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội...

Bà Nguyễn Thị Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bình Hà, xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ) cho biết: “Cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi được tham gia đối thoại với Thường trực Tỉnh ủy, trực tiếp chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của bản thân cũng như được lắng nghe những ý kiến chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo tỉnh. Sau hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy ban hành thông báo kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể từng nội dung. Từ đó, chúng tôi được tiếp thêm niềm tin, yên tâm trong công tác hội, tuyên truyền, vận động hội viên tập trung SXKD”.

Phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân

Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn đối thoại với cán bộ thôn, tổ dân phố và hội đoàn thể.

Ở cơ sở, công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hội viên, người dân cũng được triển khai hiệu quả. Trong năm, cấp huyện đã tổ chức 35 cuộc, cấp xã tổ chức 353 cuộc. Đa số ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đều được trả lời trực tiếp hoặc được các cơ quan, đơn vị chức năng trả lời bằng văn bản, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền giải quyết.

Ông Phan Đình Bé - Trưởng thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ (Lộc Hà) bày tỏ: “Đối thoại không chỉ là cơ hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở mà còn tăng cường mối quan hệ, gắn bó, đồng hành giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tạo niềm tin, khuyến khích người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”.

Phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền đến thăm hỏi gia đình chính sách ở huyện Đức Thọ.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền khẳng định: “Năm 2022, mặc dù tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình KT-XH vẫn giữ xu hướng phục hồi và phát triển. Kết quả đó có được ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì yếu tố cốt lõi đó là từ chính tinh thần đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện tối đa để người dân tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đã tăng cường củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền”.

Cũng theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; tỉnh Hà Tĩnh tập trung cao triển khai Quy hoạch tỉnh; vì vậy, phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động sức mạnh toàn dân càng có ý nghĩa vô cùng cần thiết.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh việc xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lấy dân chủ trong Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị làm nòng cốt, phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn; tập trung rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, tiếp tục tạo đồng thuận, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).