Suốt hàng ngàn năm, Kỳ La, Kỳ Hoa, Hà Hoa, Hoa Xuyên đến Cẩm Xuyên ngày nay đã không ngừng bồi đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp, luôn đoàn kết, gắn bó trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong lao động sản xuất để bảo vệ và dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Huyện Cẩm Xuyên nằm phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, trên tuyến đường thiên lý Bắc - Nam, phía Tây giáp dãy Hoành Sơn, phía Đông là biển Đông. Núi và biển chạy song song hài hòa, tạo nên một miền quê với 3 vùng sinh thái: đồi núi, đồng bằng và ven biển, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ hữu tình. Trên vùng đất này, giữa những cuộc thiên di mở cõi, người Việt cổ đã sớm khai sơn lập địa, mở xóm, lập làng, dựng xây cuộc sống.
Miếu Cồn Thờ ở xã Cẩm Hưng, nơi thành lập Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên. Ảnh tư liệu
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, địa giới hành chính và tên gọi Cẩm Xuyên đã có nhiều thay đổi. Thời viễn cổ, vùng đất Cẩm Xuyên nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung vốn là đất đai của nhà nước Việt Thường Thị… Đời nhà Trần, vùng đất này thuộc huyện Kỳ La. Thời thuộc Minh, vào năm 1419, hai huyện Kỳ La và Hà Hoa sáp nhập làm một, lấy tên là huyện Kỳ Hoa. Đến năm 1837, nhà Nguyễn cắt 4 tổng từ huyện Kỳ Hoa là: Lạc Xuyên, Thổ Ngọa, Vân Tán, Mỹ Duệ lập nên huyện Hoa Xuyên. Năm Tân Sửu (1841) dưới thời vua Thiệu Trị, huyện Hoa Xuyên được đổi thành huyện Cẩm Xuyên. Đây là dấu mốc khẳng định sự tồn tại và phát triển của một địa phương đã hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý, dân cư, chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của đơn vị cấp huyện, mở ra thời kỳ mới trong tiến trình xây dựng và phát triển của vùng đất Cẩm Xuyên.
Một góc thị trấn Cẩm Xuyên. Ảnh: Khôi Nguyễn
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ những người con quê hương Cẩm Xuyên luôn kề vai sát cánh cùng quân, dân cả nước và Hà Tĩnh viết nên những trang sử chói lọi, góp phần đánh bại nhiều cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đây là nơi nuôi dưỡng nhiều danh thần, tướng giỏi có công với nước, với dân, được lưu danh vào sử sách như: Thượng tướng Nguyễn Biên, Đô đốc Dương Văn Tào, Tướng quân Trần Muông, Thượng tướng quân Nguyễn Đình Dĩnh, Tướng quân Lê Hữu Vượng...
Tiếp nối truyền thống yêu nước, tháng 3 năm 1930, Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên được thành lập. Từ khi có Đảng lãnh đạo, tinh thần yêu nước của Nhân dân càng được khơi dậy và phát huy cao độ. Nhiều người con ưu tú sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành những chiến sĩ cộng sản kiên trung như: Nguyễn Đình Liễn, Trần Đào, Nguyễn Đình Hài, Nguyễn Hữu Thái, Phạm Thể, Phạm Truyện, Phan Đình Giót.... Đặc biệt, Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Xuyên vinh dự và tự hào là quê hương đã sinh ra đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng giai đoạn 1936 - 1938. Là nhà tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng, người đã chiến đấu, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân.
Tượng đài cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại thị trấn Cẩm Xuyên. Ảnh: Hương Thành
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Cẩm Xuyên đã anh dũng, đoàn kết, kiên trung đấu tranh cách mạng, góp phần cùng cả tỉnh làm nên các cao trào cách mạng, kết thúc bằng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Cẩm Xuyên tự hào là một trong những huyện giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất của Hà Tĩnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên dự lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Cẩm Xuyên bước vào thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, củng cố chính quyền, tiền tuyến, hậu phương hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, cùng cả nước tiến hành kháng chiến, kiến quốc. Điểm sáng Cẩm Bình trong phong trào bình dân học vụ đã trở thành ngọn đèn soi rọi cho phong trào giáo dục cả nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.
Cẩm Xuyên đã tích cực xây dựng, bảo vệ vùng tự do và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương vững chắc, chi viện cho tiền tuyến, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót - người con của quê hương Cẩm Xuyên đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Non nước Cẩm Xuyên. Ảnh: Hương Thành
Cảng cá Cồn Gò (Cẩm Nhượng). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Nêu cao tinh thần: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 10.000 thanh niên Cẩm Xuyên lên đường nhập ngũ, hơn 8.000 người tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong trên các chiến trường. Chiến tranh kết thúc, 3.008 người con thân yêu của quê hương Cẩm Xuyên đã mãi mãi nằm lại trên các chiến trường, trận địa. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, huyện Cẩm Xuyên và 21/23 xã, thị trấn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 258 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đất nước trọn niềm vui, giang sơn thu về một mối, Cẩm Xuyên đã khẩn trương bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cẩm Xuyên đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, khơi dậy các nguồn lực, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khai thác các tiềm năng lợi thế và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Những năm gần đây, mặc dù liên tiếp chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng của Cẩm Xuyên vẫn duy trì ở mức cao.
Bình quân giai đoạn 2016 -2020, tăng trưởng kinh tế đạt 8,89%, bằng 1,65 lần so với năm 2015. Tổng giá trị đầu tư toàn xã hội đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2015. Thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 400 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41,31 triệu đồng/người/năm.
Khu du lịch sinh thái Hồ Kẻ Gỗ (ảnh 1). Nhà máy điện mặt trời (ảnh 2). Cụm công nghiệp bắc Cẩm Xuyên (ảnh 3). Khu du lịch biển Thiên Cầm (ảnh 4). Ảnh: PV.CTV
Từ một huyện thuần nông, Cẩm Xuyên đang vững vàng trên hành trình hội nhập và phát triển. Trong 5 năm qua, huyện Cẩm Xuyên đã có 53 dự án đầu tư vào địa bàn, với tổng mức trên 6.455 tỷ đồng. Trong đó, các dự án tại cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, Cẩm Hưng... đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp quan trọng vào thu ngân sách của huyện, của tỉnh. Khu du lịch biển Thiên Cầm đang ngày càng phát triển và được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia, Khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ với nhiều tiềm năng thu hút đầu tư phát triển.
Lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng. Ảnh tư liệu
Phát huy lợi thế ba vùng sinh thái, Cẩm Xuyên đang từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các chuỗi sản phẩm chủ lực. Sau hơn 10 năm chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn huyện phát triển mới được hơn 1.485 mô hình kinh tế, 17 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, xây dựng 118 khu dân cư mẫu và 1.110 vườn mẫu. Có 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với những thành quả đó, tháng 9 năm 2021, Cẩm Xuyên đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Người dân thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ vui chơi bên nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ – ngôi nhà trí tuệ vừa được xây dựng.
Mực một nắng Cửa Nhượng đã trở thành đặc sản nức tiếng của người dân vùng biển huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Hương Thành
Mô hình kinh tế 4 tầng nấc ở xã Cẩm Thành (ảnh 1). Giải phóng mặt bằng mở rộng đường giao thông tại xã Cẩm Hà (ảnh 2). Người dân Cẩm Xuyên vui mừng bên kết quả xây dựng NTM (ảnh 3). Đường trục chính xã Cẩm Sơn khang trang, sạch đẹp (ảnh 4). Ảnh PV.CTV
Nhờ huy động sức mạnh của toàn xã hội về công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, giải quyết việc làm nên đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 3,41%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng; toàn huyện hiện có 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sỹ. Truyền thống hiếu học của người Cẩm Xuyên luôn được phát huy, ngành giáo dục huyện nhà luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Đến nay Cẩm Xuyên có 49/70 trường đạt chuẩn quốc gia.
Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo nhân kỷ niệm 180 năm danh xưng Cẩm Xuyên và đón nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh được nâng cao; chủ động nắm chắc tình hình, dự báo xử lý kịp thời các tình huống.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Cẩm Xuyên (ngày 17/8/2021).
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tăng cường, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hoạt động của HĐND huyện và chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; công tác cải cách hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương có những chuyển biến rõ nét. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Khối đại đoàn kết được củng cố vững chắc và phát huy hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Ảnh: Phan Trâm
Những thành tựu mà Cẩm Xuyên đạt được trong thời gian qua là rất đáng trân trọng và tự hào, thể hiện cho tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Xuyên.
Nhìn lại quá khứ để càng thêm tự hào, 180 năm trôi qua, danh xưng giàu ý nghĩa Cẩm Xuyên đã đồng hành cùng sự phát triển của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà. Với niềm vui, niềm phấn khởi, vinh dự, tự hào về truyền thống vẻ vang qua những chặng đường lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cẩm Xuyên nguyện nêu cao tinh thần cách mạng, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXII đã đề ra, xây dựng Cẩm Xuyên trở thành huyện có nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch phát triển; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Video: Trên quê hương Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Thực hiện: Huyện đoàn Cẩm Xuyên
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Xuyên
Ảnh, video: PV. CTV
thiết kế: huy tùng