Tự giác thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, nhất là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là một trong những giải pháp hữu hiệu để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng và là thành phần cốt yếu của đạo đức, văn hóa trong Đảng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các ngành, các cấp (Quy định số 101-QĐi/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng...).
Quán triệt các nghị quyết, quy định trên, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 890-QĐi/TU, ngày 5/3/2019 và các kế hoạch, chỉ thị, chương trình hành động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; trong đó, yêu cầu cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất, thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “nói đi đôi với làm”; chủ động đối thoại, giải quyết, xử lý dứt điểm các đề xuất, kiến nghị, những vấn đề cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm. Quy định số 890-QĐi/TU, ngày 5/3/2019 của BTV Tỉnh ủy đã xác định rõ 9 nhiệm vụ các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu các ngành, các cấp phải thực hiện và 9 điều phải kiên quyết chống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng trao quyết định chỉ định đồng chí Bùi Nhân Sâm giữ chức Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (tháng 12/2020). Ảnh: Hữu Trung
Sau một thời gian thực hiện, kết quả bước đầu cho thấy, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị toàn tỉnh được nâng lên một bước, tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tăng cường, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
|
Thực tiễn cho thấy, một số địa phương, đơn vị, người đứng đầu thực hiện tốt vai trò nêu gương nên nội bộ đoàn kết, thống nhất, niềm tin của cán bộ, đảng viên được nâng lên, dân chủ được phát huy, từ đó phong trào ngày càng phát triển. Người đứng đầu có tư chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, không ích kỷ, cá nhân thì hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống trong cơ quan, đơn vị sẽ khó xảy ra. Người đứng đầu thật sự thanh liêm, dân chủ, công khai, minh bạch, tận tụy, trách nhiệm, hết lòng vì công việc thì chắc chắn hiện tượng xu nịnh, a dua, quan liêu, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền không có “đất” để tồn tại; cơ quan, đơn vị sẽ đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng. Người đứng đầu biết quan tâm, chia sẻ, động viên, khích lệ, đối xử công bằng với mọi thành viên, thẳng thắn, rạch ròi, công minh, chính trực trong đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức thuộc quyền sẽ là mệnh lệnh không lời hiệu triệu cán bộ, công chức dưới quyền rèn luyện, phấn đấu, tận tâm, tận lực để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng một số nơi, người đứng đầu không đề cao, phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thật sự là đầu tàu, gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác hoặc không thể hiện rõ về năng lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Một số đồng chí không gương mẫu trong việc thực hiện các quy định, quy chế như việc cưới, việc tang; sử dụng tài sản công, xe công; kỷ cương hành chính, uống rượu, bia không đúng nơi quy định, vi phạm chính sách dân số; suy nghĩ, nói và hành động không nhất quán, nói một đằng, làm một nẻo; để xảy ra khuyết điểm, vi phạm, cá biệt có trường hợp phải xử lý kỷ luật.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 1/2021.
Thực tiễn đã chứng minh: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Người đứng đầu thiếu gương mẫu trong tác phong, lề lối làm việc, thái độ ứng xử; không công tâm, khách quan trong đánh giá, nhận xét cán bộ cấp dưới; bị tác động, chi phối bởi lợi ích nhóm, người nhà, người thân, người quen; làm việc thiếu trách nhiệm, dĩ hòa, vi quý, vì động cơ cá nhân… dễ dẫn đến việc chia bè, kéo cánh, mất đoàn kết nội bộ; cấp dưới không tin tưởng, phục tùng cấp trên; uy tín của cơ quan, đơn vị sẽ giảm sút; mọi phong trào, hoạt động bị ngưng trệ, không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài tác động, chi phối bởi cơ chế, chính sách, môi trường công tác thì nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên là vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng một số nơi còn mờ nhạt; hệ thống tiêu chí để giám sát, đánh giá người đứng đầu chưa rõ, nhất là về phẩm chất, đạo đức, uy tín; các quy định, chế tài để xử lý trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa cụ thể… Tuy nhiên, suy cho cùng thì ý thức tự giác, tự soi, tự sửa của cán bộ chưa thực sự được nâng cao, hay “văn hóa cán bộ” còn thiếu chuẩn mực.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX khẳng định, 1 trong 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025 là: chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Theo đó, người đứng đầu các ngành, các cấp phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quan điểm, định hướng chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; phải có tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng; phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sát thực tiễn, hiệu quả; thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy được sức mạnh, trí tuệ tập thể. Tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, đột phá, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung. Giữ và thực hiện đúng phương châm của nêu gương: “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Nói đi đôi với làm”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, công chức...
Các đại biểu đoàn Hà Tĩnh trao đổi bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021). Ảnh: Thu Hà
BTV Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp cần ban hành chỉ thị về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu gắn với tập thể và tăng cường vai trò giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó phải đánh giá đúng và chọn được người đứng đầu thực sự có tâm, có tầm, có trình độ, năng lực giỏi, thật sự là tấm gương tiêu biểu về trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống ở cơ quan, đơn vị.
|
Xác định nêu gương là một tiêu chí hết sức quan trọng để đánh giá người đứng đầu các ngành, các cấp. Theo đó, cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chí để đánh giá, quản lý người đứng đầu không chỉ về trình độ, năng lực chuyên môn, mà còn về phẩm chất, uy tín, tác phong, lối sống. Để quản lý tốt người đứng đầu, phải duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong cơ quan, đơn vị, phát huy cao tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa tổ chức Đảng các cấp, các cơ quan quản lý cán bộ, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức lấy phiếu đánh giá, nhận xét cán bộ của Nhân dân nơi cán bộ sinh sống theo quy định của BTV Tỉnh ủy.
Hoàn thiện các chế tài để xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa nêu gương; chức vụ càng cao càng phải nêu gương, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm khắc. Xây dựng cơ chế để giám sát việc thực hiện quyền lực của người đứng đầu. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh
thiết kế: huy tùng