Thiếu các phương tiện vận chuyển, nông sản miền núi đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Những ngày này, các vựa cam đặc sản nổi tiếng từ Hương Sơn, Vũ Quang đến Hương Khê đang rộ mùa thu hoạch. Nhiều nông dân đã mạnh dạn kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, không ít người đã ứng dụng thương mại điện tử, giới thiệu và bán hàng qua mạng internet đem lại hiệu quả cao.
Nhưng những bất cập trong công tác vận chuyển hàng hóa đã “cản bước” nông sản Hà Tĩnh vươn xa.
Là một nông dân trẻ, quyết tâm lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Trần Xuân Loát (xã Hương Trạch, Hương Khê) đã về quê trồng hàng trăm gốc bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây. Sau nhiều năm trời chăm bẵm, đến nay, cây đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh thường xuyên tiếp thị sản phẩm trên các trang mạng xã hội và cả trang web riêng, tạo được niềm tin, nhiều khách hàng ở mọi miền đất nước gửi đơn đặt mua sản phẩm.
Anh chia sẻ: "Bán hàng đã khó mà vận chuyển hàng còn khó khăn hơn nhiều lần. Hiện tại, chỉ một số tỉnh dọc Quốc lộ 1A hoặc có ga đường sắt mới dễ dàng gửi hàng. Những thành phố lớn như Hà Nội, Vinh (Nghệ An)… có nhiều phương tiện lưu thông thì giá cước vận chuyển ổn định và dịch vụ tương đối chấp nhận được, còn các địa phương khác thì chi phí rất cao.
Ví dụ, có lần tôi gửi một kiện hàng đi TP. Hồ Chí Minh nặng 70 kg (giá tại gốc hơn 2 triệu đồng) nhưng nhà xe (xe khách) lấy tới 420 nghìn đồng tiền cước phí, hay như gửi 50kg đến tỉnh Kon Tum cũng mất chi phí 350 nghìn đồng… Đắt là vậy nhưng với một số tỉnh xa hoặc đến đợt cao điểm (giáp với ngày đầu tháng hoặc ngày rằm âm lịch) thì nhiều khi không thể gửi hàng".
Anh Trần Xuân Loát (xã Hương Trạch, Hương Khê): Bán nông sản đã khó mà vận chuyển còn khó gấp nhiều lần.
Cũng theo anh Loát, nguyên nhân là do tốc độ phát triển của nông nghiệp quá nhanh, trong khi dịch vụ logistics phát triển chậm, ít được đầu tư.
Có mặt tại ga Hương Phố (Hương Khê), chúng tôi nhận thấy có không ít người dân cố gắng gửi sản phẩm cam bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, không phải ai cũng gửi được hàng. Một người dân chia sẻ, thường thì tàu chỉ dừng vài phút, chúng tôi cũng tranh thủ đưa hàng hóa lên. Tuy nhiên, vì thời gian quá gấp nên chỉ gửi được với số lượng nhỏ. May mắn thì kịp nhờ được người đi tàu giữ hộ, có khi không. Khi đến ga thì bạn hàng sẽ lên tàu để lấy hàng theo đánh giấu riêng, cũng có khi mất luôn hàng.
Tương tự, câu chuyện gửi cam cho khách hàng ở xa của anh Đoàn Ngọc Bảo ở xã Hương Thọ, Vũ Quang cũng đầy gian truân. Anh Bảo cho biết: Để bán được 1 tấn cam, nếu đưa ra Hà Nội thì chỉ mất 1 triệu đồng, còn nếu chuyển đi TP. Hồ Chí Minh phải mất tới 5 triệu đồng chi phí vận chuyển. Do vậy, giá của sản phẩm cũng phải tăng theo để bù lại chi phí, việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của trang trại.
Theo anh Đoàn Ngọc Bảo (xã Hương Thọ, Vũ Quang), để nông sản Hà Tĩnh vươn xa, các cấp, ngành cần quan tâm phát triển hơn dịch vụ Logistics trong nông nghiệp.
“Khó khăn hơn, một số khách hàng ở Tây Nguyên, Nam Bộ do không có phương tiện nên chúng tôi đã nhiều lần phải hủy đơn hàng. Không chỉ chịu cước phí đắt đỏ, dịch vụ vận chuyển cũng còn nhiều bất cập. Tình trạng thất thoát, thất lạc hàng hóa vẫn xảy ra thường xuyên. Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu, có bao bì, nhãn mác nhưng khi gửi hàng, để cam được bảo vệ, chúng tôi lại phải sử dụng các thùng xốp, vừa đắt đỏ vừa thiếu chuyên nghiệp…” - anh Bảo cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, những hạn chế về khâu thu gom và vận chuyển tiêu thụ nông sản đang ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực của các địa phương miền núi, vùng xa trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa.
Do đó, Hà Tĩnh cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển các dịch vụ Logistics nông nghiệp nhằm thúc đẩy hiệu quả quá trình lưu thông, phân phối, tiêu thụ hàng hóa. Từ đó, tạo ra những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.