Những tác phẩm về con người Việt Nam, với những bộn bề lo toan và phức tạp xã hội, có duyên với giải Camera vàng (Caméra d"Or) - giải thưởng dành cho phim đầu tay xuất sắc của một đạo diễn trẻ, được một trong các bộ phận tuyển lựa bình chọn (Ban tuyển lựa chính thức hoặc Ban Tuần phê bình phim quốc tế).
Tác phẩm Bên trong vỏ kén vàng (tựa tiếng Anh: Inside The Yellow Cocoon Shell ) của Phạm Thiên Ân, với thời lượng gần 3 tiếng, về hành trình nhận thức cuộc sống của một người đàn ông dọc xuôi từ thị thành về nông thôn, vừa thắng giải này vào tối ngày 27.5 tại Pháp.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân với giải Camera vàng tại Cannes lần thứ 76
Các nhà phê bình quốc tế yêu thích phim Bên trong vỏ kén vàng
Bên trong vỏ kén vàng kể về một người đàn ông phải mang xác chị dâu về quê trao lại cho người anh. Hành trình này bật ra trong anh những suy tư về ý nghĩa cuộc đời, được các báo nước ngoài đánh giá là có “chất thơ”, “mê hoặc” khán giả.
Trước Phạm Thiên Ân, cách đây 3 thập niên - vào năm 1993 - đạo diễn Trần Anh Hùng thắng giải Camera vàng với phim Mùi đu đủ xanh, kể về cuộc đời người phụ nữ truyền thống với những ngổn ngang trong nhà, ngoài ngõ.
Điểm gặp gỡ của hai tác phẩm đoạt giải Camera vàng này đó là đều được giới phê bình phim phương Tây ca ngợi hết lời về kỹ thuật quay dựng, khả năng chỉ đạo lẫn những chủ đề mà phim thể hiện.
Cũng lần này, Trần Anh Hùng tái xuất với phim Pháp The Pot-Au-Feu , kể câu chuyện tình yêu và ẩm thực nhưng rất khêu gợi, anh “lợi hại như xưa” khi “ẵm” giải Đạo diễn xuất sắc nhất - giải chỉ đạo đầu tiên của anh tại Cannes.
Nhà làm phim Trần Anh Hùng thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2023
Bên cạnh Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân, những tiếng nói đến từ châu Á tạo được sự chú ý tại mùa giải năm nay với những tên tuổi quen thuộc. Nhà làm phim Nhật Bản Hirokazu Kore-eda trở lại Cannes với phim ly kỳ Monster , thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất. Giải này được trao cho biên kịch Yuji Sakamoto, đạo diễn Hirokazu Kore-eda thay mặt đồng nghiệp nhận giải.
Năm 2018, đạo diễn Hirokazu Kore-eda thắng giải Cành cọ vàng qua phim Shoplifters - một tác phẩm “hủy diệt cảm xúc” khán giả khi phơi bày lên màn ảnh những hình ảnh trần trụi về một gia đình đạo chích ở Nhật nhưng qua đó lại phần nào thấy được bức tranh rộng lớn hơn của xã hội Nhật đương đại.
Ở lần tái xuất này, phim của ông - do Yuji Sakamoto chấp bút - chạm đến vấn đề gai góc hơn: học đường. Tác phẩm này đồng thời cũng thắng giải Cành cọ đồng tính (Queer Palm), giải vinh danh những phim có chủ đề đồng tính một cách rõ rệt.
Đạo diễn Hirokazu Kore-eda nhận giải Kịch bản xuất sắc nhất
Nghệ sĩ Nhật Bản Koji Yakusho thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất
Huyền thoại diễn xuất người Nhật Koji Yakusho thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất qua phim Perfect Days của đạo diễn Wim Wenders. Trong phim, ông đóng vai một công nhân dọn vệ sinh, bằng lòng và vui vẻ với cuộc sống của chính mình.
Song, điều đáng chú ý là tất cả chủ nhân của các giải thưởng trên đều là nam giới, chưa có một gương mặt phụ nữ nào. Và nói về phụ nữ tại mùa giải lần này, chiến thắng của đạo diễn Justine Triet đánh dấu đây là nhà làm phim nữ thứ 3 thắng giải Cành cọ vàng trong lịch sử dài đằng đẵng của giải này, trước đó là Julia Ducournau với phim Titane (2021) và Jane Campion với tác phẩm The Piano cách nay tròn 3 thập niên.