Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận dự án Luật Điện ảnh

(Baohatinh.vn) - Tham gia thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.

Chiều ngày 25/5, Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo luật.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận dự án Luật Điện ảnh

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận dự án Luật Điện ảnh

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Sau khi nghe cơ quan thẩm tra trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; xuất khẩu phim, nhập khẩu phim; phổ biến, lưu chiểu, lưu trữ phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh…

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất cao với báo cáo tiếp thu giải trình cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, đồng thời đề nghị quan tâm một số nội dung:

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nêu tại khoản 3, Điều 5 quy định: Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật”; tuy nhiên, trong dự thảo chưa có quy định cụ thể đối tượng, phạm vi, nội dung để hưởng chính sách. Vì vậy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể nội dung này.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận dự án Luật Điện ảnh

Đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Điện ảnh.

Về việc thay đổi nội dung phim, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Trần Đình Gia cho rằng, tại Điều 28, dự thảo luật cho phép tổ chức, cá nhân thay đổi nội dung phim, tuy nhiên, tại điểm c, khoản 2, Điều 9 quy định nghiêm cấm: “Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng”. Do đó, để đảm bảo thống nhất, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị xem xét, chỉnh sửa quy định trên thành: “Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng (trừ trường hợp quy định tại Điều 28 luật này).

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia khẳng định, việc quản lý cấp giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất phim, nhất là vấn đề an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc thẩm định kịch bản phim đầy đủ chỉ được thực hiện ở một số quốc gia trên thế giới.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận dự án Luật Điện ảnh

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tiếp thu, giải trình ý kiến phát biểu của các đại biểu.

Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, thực tế hầu hết các bộ phim này chỉ thực hiện một vài cảnh quay tại Việt Nam, kịch bản phim sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định vẫn có thể thay đổi theo ý của đạo diễn, việc thẩm định kịch bản phim đầy đủ cũng không đủ cơ sở để khẳng định kiểm soát được toàn bộ nội dung phim. Do đó, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị lựa chọn phương án 1: “Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt”.

Về quy định quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, bày tỏ thống nhất với ý kiến phát biểu của đại biểu Trần Văn Tiến Đoàn (Vĩnh Phúc), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia nêu việc Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định tại Điều 6, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010 của Chính phủ, tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay quỹ vẫn chưa được thành lập.

Dự thảo lần này tiếp tục quy định việc thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị làm rõ các giải pháp để hình thành và duy trì hoạt động của quỹ, tránh việc quy định trong luật nhưng không có tính khả thi.

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.