Nhắc tới hoa xoan, chắc hẳn trong mỗi chúng ta, nhiều người còn nhớ những câu: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ/Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay ...” trong một kiệt tác thơ xuân của thi sĩ Nguyễn Bính.
Ở Hà Tĩnh, hoa xoan hiện diện khắp nơi, từ trong vườn ra ngoài ngõ, từ trên những ngả đường làng khúc khuỷu quanh co đến những con đường trải nhựa nơi phố thị sáng đèn.
Cây xoan mang trong mình một sức sống mãnh liệt. Đi qua một mùa đông buốt giá, những cành xoan trơ trụi, khẳng khiu bỗng đâm chồi nảy lộc khi xuân đến. Sau những ngày mưa bụi lất phất, những nụ xoan cũng bừng thức, vươn cánh, khoe sắc giữa đất trời. Trong ảnh là một cây xoan cổ thụ ở ngã ba thị xã Hồng Lĩnh.
Hoa xoan nhỏ li ti, với 5 cánh màu trắng, nhụy màu tím biếc.
Hoa xoan thường nở thành từng chùm lớn ở mỗi đầu cành.
Hương thơm của hoa không bay xa mà chỉ thoang thoảng, dịu nhẹ len lỏi vào trong gió xuân.
Cây xoan còn được gọi là cây sầu đâu hay cây sầu đông. Dân gian từ lâu đã biết sử dụng lá cây xoan để làm thuốc trừ ngứa, ghẻ...
Xoan được trồng trong vườn nhà, ngoài bờ ao hay góc ruộng, ven đường làng…
Hoa xoan rụng trên mái hiên trước nhà dân ở thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà).
Từng cụm hoa xoan ở mái chùa Cảm Sơn (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) như những đám mây nhỏ xinh, rực rỡ trên nền trời tháng 3.
Gỗ xoan được dùng để đóng những vật dụng trong nội thất gia đình như tủ bếp, sập, tủ áo, giường ngủ... bởi nhờ vị đắng độc nên chống được mối mọt.
Vân gỗ xoan có màu vàng nhạt tự nhiên, mang lại dáng vẻ sang trọng. Ngoài ra, do có độ bền và độ ổn định khá cao nên gỗ xoan rất được ưa dùng.