Không chỉ tồn tại ở thời kỳ vật chất còn nhiều thiếu thốn, tục “đậu lợn” (đụng lợn) ngày Tết vẫn được duy trì ở nhiều vùng quê Hà Tĩnh, dần trở thành một nét văn hoá truyền thống chung. Không những vậy, các khu vực thành thị cũng đang bắt đầu có xu hướng nhập tục để có thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn trong những ngày tết.
Khoảng từ ngày 27-29 tết, các gia đình tham gia sẽ có mặt ở nhà chủ lợn để cùng nhau làm thịt chung.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp qua tết nguyên đán, vào độ tháng 2 dương lịch, gia đình bà Đặng Thị Thu Thủy và ông Đặng Thanh Trung (thôn 5, xã Hương Thủy, Hương Khê) lại mua 2 con lợn giống về thả chuồng. Một con sẽ để làm thịt trong dịp rằm tháng 7 âm lịch, con còn lại được dành đến tận Tết năm sau.
Sau gần 1 năm chăm sóc, con lợn Tết của bà Thủy nặng 84 kg, năm nay, con lợn này sẽ được 4 gia đình chung nhau làm thịt. “Tôi nuôi lợn để thịt nên chỉ cho ăn cám gạo, rau xanh trong vườn chứ không sử dụng đến các loại cám công nghiệp. Không chỉ tiết kiệm chi phí thức ăn mà chất lượng thịt còn ngon hơn rất nhiều.” - bà Thủy chia sẻ.
Lợn tết sẽ được tắm sạch sẽ, làm lễ hóa kiếp trước khi bị chọc tiết.
Sau khi chọc tiết, lợn sẽ được cạo lông...
... và bắt đầu mổ ra.
Trẻ con cũng háo hức đi xem đậu lợn.
Riêng lòng lợn sẽ không chia cho các gia đình mà được chế biến tại nhà chủ lợn để mọi người cùng thưởng thức sau khi hoàn thành công việc.
Lợn thịt được chia thành các phần bằng nhau cho các gia đình tham gia.
Con lợn tết được bà Thủy chăm sóc theo chế độ đặc biệt nên chất lượng thịt sẽ ngon hơn so với thịt ở chợ.
Theo tính toán, mỗi gia đình tham gia chỉ chi khoảng 800 nghìn đồng để mua gần 15 kg thịt lợn.
Với những người nông dân này, lòng lợn được xếp vào hàng "quốc hồn, quốc túy" của ẩm thực, nên họ sẽ để dành để làm lễ tất niên riêng của các gia đình tham gia.
Không chỉ lợn, ở Hà Tĩnh không ít gia đình còn “chơi sang” khi tổ chức đậu bò, đậu trâu ngày tết.