Chị Nguyễn Minh Th. (TP Hà Tĩnh) tâm sự: “Sau khi sinh con thứ 2, áp lực vừa đi làm, vừa chăm 2 con dồn hết lên mình vì chồng hầu như không giúp đỡ việc gì. Ngoài giờ làm, anh ấy mải mê với các cuộc nhậu và về nhà khi đã khuya. Buổi tối là thời gian vất vả nhất của mình khi vừa hướng dẫn con lớn học bài, chăm con nhỏ, làm việc nhà. Đêm đến thì con quấy khóc. Buổi sáng thức dậy đi làm mình gần như kiệt sức”.
Càng ngày, phụ nữ càng phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống (Ảnh internet)
Đã qua thời kỳ nuôi con nhỏ như chị Minh Th., nhưng chị Phạm Thanh L. (TX Kỳ Anh) cũng đang trải qua giai đoạn khá áp lực trong cuộc sống. Vốn là người phụ nữ đảm đang, mọi việc trong gia đình và ngoài xã hội chị đều chu toàn. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gần như là những gì mà những người xung quanh mặc định cho chị. Cũng chính vì điều đó, chị luôn phải “gồng mình” để làm tròn nhiều vai trong cuộc sống và không ít lần chị L. cảm thấy “hụt hơi”. Chị thường xuyên lo nghĩ làm thế nào cho tốt được tất cả mọi việc, lâu dần chị rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.
Những căng thẳng mà phụ nữ đang gặp phải trong cuộc sống lâu ngày sẽ tạo thành một áp lực lớn, đè nén tâm trí, khiến họ dần bị rối loạn tâm lý lúc nào không hay.
Những áp lực dồn nén lâu ngày dễ gây ra các vấn đề về thần kinh (Ảnh internet)
Các bác sỹ chuyên khoa thần kinh cho hay, thông thường, không phải ai cũng có dấu hiệu rối loạn tâm lý rõ rệt, việc mắc các chứng bệnh về tâm thần rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Nhiều phụ nữ thường xuyên cảm thấy đau bụng, đau dạ dày, khó thở, mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, chán nản, tuyệt vọng… không rõ nguyên nhân. Hầu hết họ đều chủ quan, nghĩ đó là những bệnh lý bình thường mà không biết đó là những biểu hiện của trầm cảm, tâm thần. Người nhẹ thì chỉ bị stress đơn thuần, nặng thì bị rối loạn tâm lý. Nguy hiểm hơn, do quá nhiều căng thẳng, áp lực đè nén, không được chia sẻ, nhiều người còn có suy nghĩ tự tử để giải thoát.
Để cân bằng cuộc sống, chị em phụ nữ nên giải tỏa căng thẳng bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn. (Ảnh internet)
Để hạn chế tình trạng này, phụ nữ nên tự trang bị kiến thức, bản lĩnh cho mình để thích nghi với những áp lực, đối phó với khó khăn trong cuộc sống. “Những lúc căng thẳng, mệt mỏi, chị em nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, nếu tình trạng đó vẫn tiếp tục diễn ra thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt”, bác sỹ Đinh Nho Quang - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh có lời khuyên dành cho các chị em khi gặp phải các vấn đề về sức khỏe thần kinh.