Phan Trọng Anh đã phải nhận mức án 4 năm tù giam cho hành vi phạm tội của mình.
Kết thúc chuỗi ngày rong ruổi tìm mối tiêu thụ tài sản bất chính, Phan Trọng Anh đứng trước vành móng ngựa trong nỗi bất bình của những người tham dự phiên tòa. Với vai trò đầu mối chuyên “tẩu tán” xe lậu, y đã cướp đi niềm vui của biết bao gia đình khi tài sản đáng giá nhất đối với họ không còn cơ hội tìm lại.
Phan Trọng Anh bắt đầu chuỗi hành vi phạm tội của mình vào tháng 11/2012, khi thấy người quen gạ bán “con” Nouvo LX không nguồn gốc xuất xứ với giá 12 triệu đồng. Đầu tháng 3/2014, y bán lại chiếc Nouvo cho Phạm Ngọc Chiến (cùng xã) lấy 13 triệu tiền mặt (sau đó, chiếc xe này đã bị cơ quan chức năng thu hồi).
Không từ bỏ thói làm ăn cũ, được một người quen tên Tuấn (không có địa chỉ cụ thể) giới thiệu bán xe Air Blade với giá 12 triệu đồng, Phan Trọng Anh mua và bán lại cho anh Trần Văn Hiệp (cùng xã) lấy 14 triệu đồng. Thấy việc buôn bán xe lậu trót lọt, y xác định theo nghề này để có cơ hội kiếm lời. Những lần sau đó, mỗi khi có xe, Tuấn thường gọi cho Anh để xem hàng và giao dịch mua bán. Sau 3 năm làm nghề bất chính, đến tháng 10/2015, y đã tiêu thụ 14 chiếc xe do người khác phạm tội mà có. Theo hội đồng định giá tài sản, tổng giá trị tài sản của 14 xe máy nói trên lên đến 250 triệu đồng.
TAND huyện Hương Khê đã mở phiên tòa xét xử lưu động Phan Trọng Anh với tội danh “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật và cảnh báo người dân. 14 chiếc xe máy đã bị Anh “phù phép” bằng cách tẩu tán là con số không hề nhỏ. Tại phiên tòa, trước những bằng chứng không thể chối cãi, bị cáo Phan Trọng Anh buộc phải cúi đầu nhận tội. Với giá trị tài sản lớn, phạm tội nhiều lần, bị cáo đã thu lời bất chính 15 triệu đồng, hội đồng xét xử tuyên Phan Trọng Anh mức án 4 năm tù giam.
Thực tế cho thấy, các vụ trộm cắp tài sản được đưa ra xét xử rất nhiều nhưng “bỏ tù” người tiếp sức cho đạo chích có “đầu ra” lại rất hiếm và chủ yếu liên quan đến xe máy với mức án chỉ vài năm “ăn cơm nhà đá”. Và cũng chỉ xe gắn máy khi giao dịch mua, bán, cầm cố phải chứng minh là chủ sở hữu nên khó có đường chạy tội, còn các giao dịch “tiền trao cháo múc” khác thì hầu như chưa bị đưa ra xét xử. Thế nên, một số chủ tiệm vàng, điện thoại di động, máy vi tính… cũng đã có lúc mua hàng gian với giá bèo rồi bán cho người khác với giá cao để trục lợi nhưng chưa bị phát giác.
Người có hành vi cướp giật, trộm cắp tài sản với người tiêu thụ luôn có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, để chứng minh một người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không dễ. Chính vì vậy, quy định người bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải “biết rõ” tài sản do phạm pháp mà có dường như đang làm khó các cơ quan tố tụng khi chẳng ai tự nhận mình “biết rõ” đó là đồ gian. Với những tài sản có giá trị lớn, theo luật định, phải có giấy tờ sở hữu để chứng minh nguồn gốc nhưng với việc tiêu thụ tài sản có giá trị không cao, cơ quan chức năng cũng khó có căn cứ để quy kết người mua.
Để giải quyết nạn tiêu thụ tài sản của kẻ gian, các cơ quan chức năng cần quản lý những tiệm cầm đồ, điểm kinh doanh hàng đã qua sử dụng bằng biện pháp hành chính, hóa đơn, thuế… Đối với những người buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, phải có biện pháp cứng rắn hơn, tăng cường quản lý, theo dõi. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc kiên quyết không mua những hàng trôi nổi, không có hóa đơn, chứng từ… là điều cần thiết.