Vậy hình thức du lịch “hành xác” này có gì hơn những kiểu du lịch khác?
Tận hưởng tự do
Ngay cái tên “phượt” kèm mớ định nghĩa lỏng lẻo của nó đã hàm chứa tự do rồi. Đi phượt, thích dừng đâu thì dừng, chỗ nào mình ưng là nghỉ, chỗ nào đẹp, thú vị thì ở lâu, chứ đâu có bị “quý khách tập trung lúc 6h30, tham quan đồi cát, 7h lên xe khởi hành đi suối nước nóng, trên xe có các trò chơi đố vui, hoạt náo có thưởng”? Khi tôi phượt, tôi tự lo, tôi tự do.
Đừng nghĩ phượt "hành xác" không đem lại cho bạn điều gì... |
Khi phượt, không ai có thể cấm anh em dừng ở một cây cầu heo hút ven đèo Phượng Hoàng để chụp ảnh, hoặc có khi chỉ ngồi yên ngắm núi đồi. Khi phượt, không ai bắt buộc anh em cứ đi đến Hà Giang là phải xếp hàng rồng rắn ra check in ở mỏm đá đã được quây bê tông kín mít.
Đi phượt, anh em sẽ không cần vò đầu với suy nghĩ rằng mình ở chỗ này mới được, ăn cái kia mới đáng tiền… Tất cả tùy thuộc vào cảm xúc: ăn những gì mình thích, ngủ bất cứ đâu có thể đặt lưng, chụp hình ở bất cứ nơi nào mình thấy đẹp. Cái phóng khoáng tự do của những chuyến phượt là liều doping cho những anh em vẫn đang một ngày 8 giờ ngồi làm trong công sở.
Khám phá trọn vẹn điểm đến
Phượt thì khổ, không phải lúc nào cũng có phòng máy lạnh để nghỉ, không có xe hơi tài xế đưa đón. Bạn gò lưng ra chạy xe máy, ngủ bờ ngủ bụi. Hành xác thật! Nhưng đó lại chính là cái lợi rõ ràng nhất.
Có những điểm đến mà chỉ “phượt” mới tới được. Nếu đi du lịch “tận hưởng”, anh em sẽ không bao giờ biết được khung cảnh ở trên đỉnh núi kia của Lang Biang đẹp thế nào, vì xe đi tour chỉ dừng ở một ngọn đồi radar tầm lưng chừng núi!
Đi du lịch kiểu “tận hưởng”, ta sẽ bỏ qua chặng đường hùng vĩ của hành trình leo Fansipan, mà chỉ đơn giản nhìn nó từ xa qua cửa kính cáp treo. Nếu mà cứ “8h quý khách ăn sáng tại resort, sau đó tự do tắm… hồ bơi” thì làm sao được nhìn mây lùa xuống chân mình vào lúc bình minh ở Núi Muối trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử?
Chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.000 m. |
Nếu không phượt, làm gì có chuyện anh em muốn ngồi bao lâu thì ngồi ở mỏm đá trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng và tận hưởng núi rừng bất tận, hay tấp xe vào lề trên một con đường ngoằn ngoèo nơi thâm sơn nào đó chỉ để nhìn biển xanh ngọc bích?
Và cái giá của tất cả điều tuyệt vời ấy là sự “hành xác” theo nhiều cách, hoặc bằng con đường leo núi đầy gian truân, hoặc là việc phải ngồi xe máy hàng chục giờ đồng hồ đến mức cái mông gần như tê liệt. Nhưng liệu cái giá đó có đáng không?
Thêm vào đó, du lịch không chỉ là cảnh sắc hay ẩm thực, còn là con người. Đi phượt, các anh em có thời gian nói chuyện nhiều hơn với những người dân, nghe nhiều hơn những câu chuyện bề nổi mà mọi người vẫn thường bàn, thông qua đó hiểu hơn về những nơi mình đã đi qua, quen được nhiều người bạn mới. Và đó cũng sẽ trở thành hành trang để anh em đi những chuyến tiếp theo.
Rèn tính tự lập
Không có gì rèn tính tự lập hơn đi phượt. Vì phượt vốn tự do, thân ai nấy lo, chẳng có ai thầu ăn thầu ngủ cho anh em từ A-Z.
Đừng nghĩ rằng phượt chỉ cái balo và con xe là đủ. Anh em phải lo hàng trăm thứ, từ thức ăn dọc đường, dụng cụ sửa xe, bản đồ, lịch trình cơ bản cho đến những thứ thường nhật nhất như chỗ ăn, chỗ ở, chỗ đi vệ sinh,…
Đặc biệt, với những tour trekking hay leo núi, anh em sẽ thấy được cái giá phải trả cho những gã đại lãn, từ đó tự khắc phải biết lo thân hơn.
Rèn tính nhẫn nại
Nếu từng leo núi, dù cao hay thấp, xa hay gần, anh em sẽ hiểu là càng dần về phía đỉnh, cảnh vật sẽ càng… xấu, thậm chí có những đoạn đỉnh núi bị khuất sau những tán cây rừng. Đó là lúc anh em mất phương hướng, hết nhẫn nại, cảm giác duy nhất còn lại chỉ là mệt mỏi và đau đớn. Thế nhưng, chỉ có người dám bước tiếp mới có thể tận hưởng được quang cảnh tuyệt vời nhất khi ở trên đỉnh.
Hoặc khi đi xa bằng xe máy, cái mông, hông và tinh thần anh em sẽ có lúc bị đặt vào sự căng thẳng và mệt mỏi tột độ, đó cũng chính là lúc sự nhẫn nại của các anh em phải tăng dần, tăng dần từng chút một.
Học cách bình tĩnh giải quyết vấn đề
Phượt không có lịch trình cụ thể, nên giữa đường cũng sẽ có hàng trăm rủi ro xảy ra. Tai nạn, lạc đường, hết lương thực, hết nước, xe bị hỏng hóc… Khi đó, rối lên không giải quyết được vấn đề gì cả. Đi phượt nhiều, anh em sẽ rèn được sự bình tĩnh khi giải quyết vấn đề và thói quen cân nhắc tất cả những khả năng có thể.
Tôi cam đoan với anh em, trong cuộc sống thường nhật, đó là một kỹ năng vô cùng, vô cùng cần thiết.
Hiểu chính mình hơn
Trong bộ phim yêu thích của tôi, Everest, có một phân đoạn những “phượt thủ” sắp chinh phục “nóc nhà thế giới” tự hỏi nhau: “Đây rõ ràng là hành xác, chinh phục Everest đẩy chúng ta vào nguy hiểm, cướp đi những mối quan hệ của chúng ta. Vậy chúng ta làm thế để được gì?”. Có người trả lời anh ta đi để chứng minh mình làm được, để sống nốt phần đời còn lại như một người chinh phục. Còn người đối thoại với anh ta thì kể về những đám mây luẩn quẩn trong đầu khi phải chôn chân ở nhà, và anh đi, để có cảm giác được hồi sinh.
Đi phượt là lúc ta thoát khỏi cái lồng an toàn thường lệ, ta đẩy mình vào cuộc phiêu lưu mà đôi khi chứa đựng nguy hiểm và căng thẳng đến tột độ. Nhưng cũng chính từ những giờ phút ấy mà ta hiểu được hơn về chính mình. Chuyến đi không chỉ tạm xóa tan đi những lo âu không đáng có ngày thường, mà còn cho ta biết được giới hạn của bản thân.
Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng nếu anh em từng chinh phục được một ngọn núi, hoặc một địa điểm trong mơ, anh em sẽ hiểu được giờ khắc mình đối thoại với chính mình ý nghĩa đến như thế nào.
Tất nhiên có nhiều quan điểm khác tôi, nhưng như tôi đã nói từ đầu, phượt là sự tự do, mỗi người có một cách riêng để phượt. Nếu tôi tận hưởng được những điều quý giá với tôi, và tôi sẵn sàng trả giá bằng việc hành xác, hãy để tôi tự do làm việc ấy.
Đừng phán xét ai cả, chỉ cần anh em biết mình muốn đi như thế nào là được rồi.