(Ảnh minh họa: Internet)
Theo Nikkei, tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến sự cải thiện khiêm tốn về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng với tốc độ vừa phải, nhưng sản lượng đã giảm và số lượng nhân công chỉ tăng nhẹ. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã lấy lại được đà tăng nhưng vẫn còn thấp, trong khi giá cả đầu ra tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Chỉ số PMI mới nhất của Việt Nam tiếp tục cho thấy những tin tức tích cực về số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất và lần tăng này đã kéo dài thời kỳ tăng thành 50 tháng. Dù vậy, các công ty có vẻ như có mức tăng sản lượng bị chững lại, từ đó họ muốn sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng của khách hàng. Tuy nhiên, tình trạng này dường như sẽ thay đổi sớm nếu số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục nằm trong kênh tăng”.
“Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có vẻ như sẵn sàng tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong năm 2020, từ đó giúp hỗ trợ tăng trưởng ấn tượng trong toàn bộ nền kinh tế. IHS Markit dự báo sản xuất công nghiệp tăng 7,9% trong năm 2020”, ông Harker cho biết thêm.
Với 50,6 điểm, PMI Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ 3 bảng xếp hạng PMI các quốc gia ASEAN trong tháng đầu năm 2020, trong khi Myanmar đứng ở vị trí đầu bảng với 52,7 điểm, Philippines về nhì với 52,1 điểm.
Các nước Thái Lan (49,9 điểm), Indonesia (49,3 điểm), Singapore (49,2 điểm) và Malaysia (48,8 điểm) lần lượt xếp ở các vị trí thứ 4, 5, 6 và 7 trong bảng xếp hạng PMI tháng 1/2020.