(Ảnh minh họa: Internet)
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm từ 50,6 điểm trong tháng 1/2020 xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm (cụ thể là 49 điểm) trong tháng 2/2020, báo hiệu sự suy giảm các điều kiện kinh doanh. Kết quả này cho thấy lần giảm đầu tiên trong hơn 4 năm.
Sản lượng giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm rưỡi qua, số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2015. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm hàng hóa Trung Quốc đã tạo áp lực tăng giá cả đầu vào, và các công ty phải tự gánh chịu chi phí bổ sung vì không thể tăng giá bán hàng.
Nhìn về tương lai, các nhà sản xuất lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, nhưng mức độ lạc quan đã giảm.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker - Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Virus corona đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 2, cả ở phía cung và phía cầu. Đầu tiên, sự kết hợp giữa tình trạng giảm xuất khẩu đi Trung Quốc và sự lo sợ dịch bệnh trong nước đã làm suy giảm điều kiện kinh doanh, và đây là lần suy giảm đầu tiên trong bốn năm.
Trong khi đó, các công ty đã gặp khó khăn trong việc nhập hàng hóa đầu vào thiết yếu từ Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh, từ đó tạo áp lực tăng chi phí đầu vào. Tình trạng này, cùng với nhu cầu giảm và kéo theo là giá cả đầu ra giảm, đã tạo áp lực lên biên lợi nhuận”.
Với 49 điểm, PMI Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 5 bảng xếp hạng PMI các quốc gia ASEAN trong tháng thứ hai của năm 2020, trong khi Philippines đứng ở vị trí đầu bảng với 52,3 điểm, Indonesia về nhì với 51,9 điểm, Myanmar đứng thứ ba với 49,8 điểm, Thái Lan xếp thứ 4 với 49,5 điểm.
Các nước Malaysia (48,5 điểm) và Singapore (45,8 điểm) lần lượt xếp ở các vị trí thứ 6 và 7 trong bảng xếp hạng PMI tháng 2/2020.