Hà Tĩnh đóng cửa nhiều mỏ khai thác khoáng sản

(Baohatinh.vn) - Sở TN&MT Hà Tĩnh đã ban hành quyết định đóng cửa tại 32 mỏ và phê duyệt 1 đề án đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản. Từ giữa năm 2018 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh quyết định đóng cửa 54 mỏ khoáng sản.

Hà Tĩnh đóng cửa nhiều mỏ khai thác khoáng sản

Theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, việc chấp hành các quy định của pháp luật sau cấp phép của các đơn vị hoạt động khoáng sản chưa cao.

Theo thông tin từ Sở TN&MT Hà Tĩnh, trong năm 2019, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh cấp 3 giấy phép thăm dò, 6 giấy phép khai thác, 5 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; điều chỉnh 1 giấy phép, gia hạn 1 giấy phép, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản 1 mỏ, chấp thuận khai thác khoáng sản trong diện tích dự án xây dựng công trình tại 3 khu vực và cho phép trả lại 1 giấy phép khai thác mỏ.

Sở cũng hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3720/QĐ-UBND ngày 19/11/2019. Tổ chức đấu giá thành công 3 mỏ đất; bổ sung 2 mỏ vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản...

Tham mưu phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 5 khu vực mỏ; phê duyệt giá trị tính tiền cấp quyền đối với 10 khu vực mỏ; ban hành quyết định đóng cửa tại 32 mỏ và phê duyệt 1 đề án đóng cửa mỏ. Từ giữa năm 2018 đến nay, Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh quyết định đóng cửa 54 mỏ.

Trong tháng 8/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định đóng cửa nhiều mỏ khoáng sản đá xây dựng ở TX Kỳ Anh, bao gồm mỏ đá 12 ha ở phường Kỳ Thịnh đã cấp cho Công ty TNHH Phú Nguyên Hải năm 2011; mỏ đá 4,5 ha ở phường Kỳ Liên đã cấp cho Công ty CP Khoáng sản Gia Việt năm 2009; mỏ khoáng sản sắt 30 ha ở xã Sơn Thọ (nay là xã Thọ Điền, Vũ Quang) đã cấp cho Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh năm 2008; mỏ khoáng sản đất san lấp 5,29 ha ở xã Hà Linh (Hương Khê) đã cấp cho Công ty TNHH Thành Lộc năm 2010; mỏ khoáng sản cát xây dựng 4,5 ha tại khu vực Bãi Bồng, xã Ân Phú (Vũ Quang) đã cấp cho Công ty TNHH Kinh tế tài nguyên VN – chi nhánh Hà Tĩnh; mỏ khoáng sản đá xây dựng 1,3 ha tại núi Nạp Trình, xã Sơn Thủy (Hương Sơn) đã cấp cho Công ty TNHH Hùng Vương năm 2010…

Theo nhận định của Sở TN&MT Hà Tĩnh, một số địa phương chưa làm tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tình trạng khai thác khoáng sản (đất, cát, sét) trái phép vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là tình trạng khai thác đất san lấp.

Hà Tĩnh đóng cửa nhiều mỏ khai thác khoáng sản

Bãi tập kết cát trái phép ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc

Công tác tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai còn chậm; số lượng các mỏ được tổ chức đấu giá ít. Việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công tác cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ tại các mỏ đã được phê duyệt thực hiện chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật sau cấp phép của các đơn vị hoạt động khoáng sản chưa cao. Việc thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường còn chậm, số dư nợ còn nhiều; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước chưa kịp thời, nhất là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Một số mỏ khoáng sản qua kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã thay đổi nội dung về địa chỉ trụ sở chính, tên công ty và người đại diện theo pháp luật (mỏ đất Trường Sơn của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Sunrise) hay có mỏ thay đổi thành viên góp vốn (mỏ đá Cẩm Trung của Hợp tác xã 26/3), nhưng không thực hiện hồ sơ chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Do vậy, một số nội dung trong giấy phép khai thác chưa được điều chỉnh, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast