Nhiều hệ lụy…
“Theo quy định Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung 2012) thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là khoản thu nhập phải chịu thuế, trường hợp khai giá mua bán nhà đất trong hợp đồng khi đi công chứng thấp hơn giá bán thực tế nhằm mục đích trốn thuế, giảm thuế TNCN thì sẽ có lợi trước mắt là giảm tiền nộp thuế cho người bán. Việc giảm này, chúng ta phải hiểu rõ là hoàn toàn trái quy định pháp luật, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước” - Luật sư Phan Văn Chiều (Văn phòng Luật An Phát) cho hay.
Việc chuyển nhượng tại các khu quy hoạch đất ở thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, mức thuế TNCN khi chuyển nhượng chỉ tính theo giá cấp đất ban đầu.
Phân tích về vấn đề thất thu ngân sách từ việc khai man giá chuyển nhượng đất đai, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh Trương Quang Long cho biết: "Việc khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế giao dịch là vấn đề không mới, đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Do không có căn cứ để phát hiện nên ngành thuế dựa trên bảng giá đất quy định để tính thuế TNCN. Trong khi đó, mỗi năm, có hàng nghìn hồ sơ chuyển nhượng đất đai nên việc thất thoát ngân sách trong thời gian qua cũng không hề nhỏ".
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thuế TP Hà Tĩnh, trong năm 2018, đơn vị tiếp nhận 1.761 lượt bộ hồ sơ chuyển nhượng bất động sản với số tiền thuế TNCN thu được đạt 18 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 tiếp nhận 981 lượt bộ với hơn 9,5 tỷ đồng thuế TNCN nộp vào ngân sách. Với thực trạng khai man giá chuyển nhượng như hiện nay, chắc hẳn, số tiền đúng ra phải nộp vào ngân sách sẽ phải lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh thất thu ngân sách thì việc khai man giá chuyển nhượng nhà đất có thể dẫn tới những thiệt hại lớn khác. Đặc biệt, việc khai man giá chuyển nhượng nhà đất là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng rất lớn đến việc áp giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và dễ dẫn đến những xung đột giữa người dân với chính quyền.
Cán bộ thuế hướng dẫn người dân kê khai nộp ngân sách
Từ chỗ căn cứ vào giao dịch thành công qua hợp đồng công chứng nhưng khi hợp đồng này ghi giá ảo thì cơ quan có thẩm quyền không thể xác định được giá chính xác, giá thật để áp giá bồi thường cho đúng thực tiễn. Đơn cử, để xây dựng phương án giá bồi thường đất, các công ty thẩm định giá phải thu thập ít nhất là ba mẫu giao dịch thành công của công chứng. Do vậy, giá giao dịch công chứng nếu là giá ảo 1 tỷ đồng trong khi giá giao dịch thật là 2 tỷ đồng thì công ty cũng không có cơ sở để xác định giá 2 tỷ đồng là giá thật. Do vậy, việc áp giá bồi thường đúng thực tiễn cũng rất khó khăn.
Trường hợp tòa án công nhận giá trên giấy tay để tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu thì vô tình đã không thừa nhận tính pháp lý, giá trị hợp pháp của hợp đồng mà các công chứng viên đã chứng nhận.
Vi phạm pháp luật
Tham vấn ý kiến từ luật sư Phan Văn Chiều về vấn đề này, thì hay: Nghĩa vụ nộp thuế trên khoản thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (nhà đất) đã được Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung 2012) quy định. Do vậy, việc khai man để nhằm mục đích nộp thuế thấp hơn đương nhiên là vi phạm pháp luật. Và, hành vi này được xác định là trốn thuế, gian lận thuế.
Xét trên cơ sở quy định pháp luật, tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà hành vi trốn thuế, gian lận thuế này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Nếu một người có hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều từ 188 đến 309 và 311 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 200 của bộ luật này” – luật sư Phan Văn Chiều thông tin thêm.
Lợi dụng vào nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nên người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng đã có sự thỏa thuận để giảm số thuế phải nộp khi chuyển nhượng nhà đất.
Còn trong trường hợp hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Thông tư 166/2013/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, tùy tính chất mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức: Phạt cảnh cáo, phạt tiền 1-3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Đồng thời, với việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính như trên theo quy định thì người có hành vi trốn thuế, gian lận thuế còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.
Giá chuyển nhượng nhà đất theo quy định Bộ luật Dân sự qua các thời kỳ cũng như Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành đều thể hiện một nguyên tắc quan trọng đó là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Chính lợi dụng vào quy định pháp luật này dẫn đến giữa người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng nếu có sự thỏa thuận “ngầm” với nhau về việc khai man giá chuyển nhượng nhà đất thấp xuống với mục đích trốn tránh số thuế phải nộp thì các cơ quan chức năng rất khó để có thể phát hiện và xử lý. Ngoại trừ trường hợp phát sinh tranh chấp dẫn đến “đổ vỡ” thỏa thuận của các bên thì các cơ quan chức năng mới phát hiện được, nhưng tỉ lệ này thông thường là hiếm gặp.
Tuy nhiên, như đã phân tích, việc khai man giá chuyển nhượng nhà đất để làm giảm số thuế TNCN phải nộp sẽ lợi trước mắt, hại lâu dài hay cũng có thể “tham bát, bỏ mâm”. Do vậy, hơn ai hết, những người có liên quan cần tỉnh táo, cân nhắc thấu đáo để tránh những thiệt hại về sau.