Hà Tĩnh: Hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện cấp cứu mỗi năm

(Baohatinh.vn) - Trên 90% bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đều có tiền sử liên quan đến thuốc lá. Với những người bị bệnh COPD phổi sẽ rất yếu, nếu bị lây nhiễm Covid-19 bệnh sẽ diễn biến nặng hơn và tăng nguy cơ tử vong.

Những người hút thuốc lá thường mắc phải nhiều bệnh nhưng phổ biến nhất vẫn là bệnh COPD. Thời gian qua, mỗi năm, tại Hà Tĩnh có hàng trăm bệnh nhân COPD nhập viện cấp cứu vì các cơn khó thở cấp tính và có nhiều trường hợp nặng đã tử vong. Để giảm bớt nguy cơ gây bệnh, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh đã thành lập đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, hen phế quản.

Hà Tĩnh: Hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện cấp cứu mỗi năm

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị bệnh COPD.

Năm 2019, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh thành lập Đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, hen phế quản (HPQ), đến nay, đã quản lý điều trị cho hơn 600 người. Thông qua điều trị và tư vấn, nhiều bệnh nhân đã nhận thức được tác hại của thuốc lá nên quyết tâm dừng hút thuốc.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Quang (xã Ích Hậu, Lộc Hà) cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi hút gần một gói thuốc lá, nhiều lần bị ho nhưng tôi vẫn chủ quan, đến khi thấy sức khỏe ngày càng giảm sút, đi khám thì biết mình bị phổi tắc nghẽn mãn tính. 4 năm nay, mỗi năm tôi vào điều trị nội trú 2 lần tại Bệnh viện Phổi và hiện đang được quản lý, điều trị ngoại trú. Từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, lo sợ nguy cơ lây nhiễm nên tôi đã bỏ hẳn thuốc lá và kiểm soát tốt bệnh theo hướng dẫn của bác sỹ”.

Hà Tĩnh: Hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện cấp cứu mỗi năm

Hiện nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã thành lập đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, hen phế quản.

"Trên 90% bệnh nhân điều trị bệnh COPD tại Bệnh viện Phổi đều có liên quan đến thuốc lá. Với những người bị bệnh COPD thì phổi của họ đã yếu sẵn, nên nếu bị lây nhiễm Covid-19 thì bệnh sẽ nặng hơn và tăng nguy cơ tử vong. Vì thế phải điều trị cai thuốc lá và cần bỏ thuốc lá ngay để bảo vệ sức khỏe. Điều này càng đặc biệt quan trọng vào thời điểm hệ thống y tế đang có áp lực vì dịch bệnh Covid-19”.
Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Hiện tại, Đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, HPQ - BVĐK TP Hà Tĩnh có trên 400 bệnh nhân, trong đó COPD hơn 300 bệnh nhân. Theo bệnh án, hầu hết các bệnh nhân COPD đều có tiền sử hút thuốc lá.

Bác sỹ Trương Quang Thắng - Tổ trưởng đơn vị quản lý và điều trị ngoại trú bệnh COPD, HPQ (BVĐK TP Hà Tĩnh) thông tin: “Tuân thủ điều trị theo sự tư vấn, hướng dẫn của bác sỹ thì hầu hết các bệnh nhân bị COPD phải bỏ thuốc lá, từ đó sẽ giảm ít đợt cấp và mức độ cấp, giảm số lần nhập viện nội trú và cải thiện được sức khỏe, tăng chất lượng sống”.

Theo các chuyên gia y tế, việc hút thuốc lá sẽ khiến cho hệ hô hấp bị ức chế, làm giảm khả năng bảo vệ của hệ hô hấp, tế bào niêm mạc đường hô hấp và các phế nang ở phổi bị tổn thương nhiều hơn, khiến vi rút SARS-CoV-2 sẽ dễ xâm nhập hơn. Ngoài ra, khi hút thuốc lá sẽ phải tháo khẩu trang ra để hút và họ sẽ phải dùng tay để tiếp xúc với thuốc lá, bật lửa, làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi rút vào cơ thể.

Hà Tĩnh: Hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện cấp cứu mỗi năm

Bệnh nhân bị bệnh COPD được bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn khám và kê đơn thuốc điều trị ngoại trú.

Trong tình hình bệnh dịch Covid-19 đang diễn tiến hết sức phức tạp như hiện nay, đòi hỏi những người đang hút thuốc lá nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ của chính mình và cộng đồng; hơn bao giờ hết họ cần phải tiến hành cai thuốc và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày thế giới không thuốc lá 31/5. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast