Tổ quốc gọi

Con viết thư này cho ba má khi biển Đông đang dậy sóng và lòng con cũng rạo rực khôn nguôi.

Năm nay ba má đã sáu mươi, trở thành người của hai thời đại. Con sinh trưởng trong thời bình, thường hay được nghe ba má kể về cuộc sống 39 năm về trước. Ngày đó tóc ông bà ngoại mới muối tiêu, anh Hai chân lẫm chẫm và miệng còn bập bẹ. Ba kể lúc giặc thả bom vào xóm, ai cũng cắm đầu chạy, tiếng la hét của con người không át được tiếng bom đinh tai nhức óc. Máy bay đi, nhà cửa rụi, tro than bay tứ tung.

Dưới những hầm trú bom hay dưới đống đổ nát nào đó, từng con người đứng lên, miệng la inh ỏi và thân mình đầy khói. Ba đi tìm người thân, thấy nhà ông ngoại chỉ còn than, ba nghĩ vợ con chết hết rồi, ba khóc như anh Hai bị má đánh đòn… Má kể có lần ba bị mất súng phải đi tù, má lội bộ mười mấy cây số đem cơm cho ba. Anh Hai khóc, bò qua cái bờ con đi kiếm má, chiếc “cán gáo” lượn vòng vòng, anh Hai nhìn trân trân như thể đó là món đồ chơi từ trên trời rơi xuống.

“Trận Bạch Đằng” - Tranh của NGUYỄN KAO THƯƠNG

“Trận Bạch Đằng” - Tranh của NGUYỄN KAO THƯƠNG

Con biết chiến tranh không phải trò đùa, dù con chưa trải qua, dù chưa một lần đối diện. Con thấy mắt ba hay giật giật, còn má cứ ở mãi trong bếp khi ba kể lại những câu chuyện kinh tâm động phách thuở nào. Hôm kia con nhận giấy báo khám sức khỏe để tuyển nghĩa vụ quân sự. Con biết ba má buồn lắm. Con chắc hẳn ba má chưa quên chiến tranh, nó để lại mảnh đạn trên lưng ba, hằn sâu vết thương trong lòng má. Không ai nói nhưng con biết ba má sợ con chết. Con thấy ba tất tả đạp xe vô xã giữa cái nắng gay gắt tháng sáu để hỏi vì sao con còn đi học mà người ta vẫn gọi. Con thấy má khóc sau hè, cơn mưa chiều làm ướt hết quần áo đang phơi ngoài sào mà má cũng không hay. Khi mọi sự rõ ràng và không thể thay đổi, ba má lại buồn hơn, từng buổi chiều cứ dần ảm đạm.

Nhưng ba má ơi, con trai của ba má đã lớn rồi. Con đủ sức vóc và trí tuệ để suy nghĩ và hành động. Con thương ba má, con yêu gia đình mình. Vì thế con phải đi thôi, cần gì phải đợi Tổ quốc gọi tên mình. Con sẽ không ngụy tạo bất cứ điều gì để có vấn đề về sức khỏe, để người ta phải loại con. Con tin rằng ba má nhất định không vui nếu con là một kẻ hèn nhát và chỉ trông chờ hưởng công người khác. Con muốn hành động thật nhiều thay vì cứ nói suông bằng miệng.

Môi trường quân đội sẽ giúp con trưởng thành hơn, cho con nhiều kiến thức và tương lai rộng mở hơn. Ba má muốn con ở nhà nhưng ngoài kia bạn bè, anh em con đã đi cả rồi, họ làm được chẳng lẽ con lại không? Con không muốn chui rúc bằng thái độ hèn kém và sợ sệt trong cái vỏ bọc của chính con. Dù chiến tranh có xảy ra hay không thì bầu nhiệt huyết trong con vẫn luôn nóng hổi. Thân này ba má ban cho con nhưng hãy để tim con hướng về Tổ quốc. Có lẽ một mình con không thể làm nên trò trống gì. Nhưng nếu ba má xem bạn bè con, đồng chí con là anh em của con thì con nghĩ không có sức mạnh nào là vô biên, không có kẻ thù nào là vô địch.

Khi đi, con sẽ nhớ ba má thật nhiều, nhớ quê hương mình khôn xiết. Những gì thân thuộc quanh con hun đúc trong con một tình yêu lớn và mãnh liệt vô cùng. Xin ba má đừng khóc! Hãy tiễn con đi bằng đôi mắt hy vọng và niềm tin quyết thắng, bằng khí khái của người kiếm sĩ bên sông Dịch thời xưa! Ba má hãy thổi bùng lên trong con ngọn lửa nhiệt huyết và sức mạnh tuổi trẻ, hãy truyền cho con kinh nghiệm và niềm tin vững chắc lâu bền! Con là một chiến công oanh liệt của ba má. Con chỉ có con tim và khối óc này, xin hãy để con dâng hiến cho đời, để sự sống của con không trở nên hoang phí!

Theo Tuần báo Văn nghệ TP. HCM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast