Hương Khê: Hơn 60 xe công nông…thả rông

Cứ tưởng rằng xe công nông – “hung thần xa lộ” một thời đã chính thức khai tử. Thế nhưng, trong chuyến công tác vừa qua lên Hương Khê, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết rằng trên địa bàn, công nông vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ảnh minh họa.

Qua khảo sát của chúng tôi, chỉ tính riêng 2 xã Hương Lâm, Hương Liên, có hơn 60 xe công nông vẫn đang hoạt động. Thậm chí, nhiều chiếc công nông được gắn thêm một bộ phận tời, kéo như xe chuyên dụng để dễ dàng bốc, dỡ. Điều đáng nói là 2 xã Hương Lâm, Hương Liên lâu nay được coi là địa bàn trọng điểm của việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Để lấy được gổ trong rừng, lâm tặc thường dùng trâu kéo. Còn muốn vận chuyển gổ ra khỏi cửa rừng, phương tiện tối ưu nhất vẫn là xe công nông. Vì thế với một số hộ dân ở đây, con trâu và xe công nông là 2 “lao động chính”. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 32/2007/NQ-CP có hiệu lực, xe công nông bị cấm lưu thông nên chủ phương tiện ở các địa bàn khác thường bán với giá rẻ, vì thế người dân 2 xã Hương Lâm, Hương Liên ồ ạt mua về làm “phương tiện kiếm cơm”. Chính vì thế, số lượng xe công nông tại các xã này tăng mạnh.

Con trâu và xe công nông trở thành “lao động chính” của một bộ phận hộ gia đình ở xã Hương Lâm, Hương Liên
Con trâu và xe công nông trở thành “lao động chính” của một bộ phận hộ gia đình ở xã Hương Lâm, Hương Liên

Theo Hạt Kiểm lâm Hương Khê và Công ty LN -DV Chúc A thì chính các phương tiện công nông này là một trong những yếu tố quan trọng làm cho công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản gặp không ít khó khăn. Lâm tặc thường lợi dụng những lúc lực lượng chức năng sơ hở, bốc gổ lên và nhanh chóng vận chuyển về nơi tập kết. Khi bị phát hiện, chúng thường đổ gổ xuống và tẩu thoát, Kiểm lâm và Chủ rừng thì không có chức năng quản lý phương tiện nên khi gặp xe không thì “bó tay”.

Trong cuộc làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ ngày 19-4, Phó trưởng Công an huyện Hương Khê trình bày: Thực hiện Nghị quyết 32, Công an huyện đã tích cực tuần tra, kiểm soát và bắt giữ xe công nông lưu hành trong toàn huyện. Tuy nhiên ở Hương Lâm, Hương Liên, công tác này gặp không ít khó khăn vì đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân sống dựa vào rừng, vào phương tiện xe công nông nên không tự giác chấp hành. Bắt thì bắt được nhưng đưa được xe ra và xử lý như thế nào là cả một vấn đề (?!).

Những lý do trên thât khó thuyết phục bởi pháp luật là pháp luật, không vì bất cứ lý do gì mà việc cấm xe công nông lưu hành theo tinh thần Nghị quyết 32 lại không thể thực thi. Việc người dân nào của 2 xã này đang sở hữu và vận hành xe công nông chắc chắn cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhất là lực lượng Công an xã đều nắm rõ. Vì thế, khi cần triển khai kiểm đếm, bắt giữ se không có khó khăn gì. “Xử lý” thì đã có chế tài luật định còn để “đưa xe ra” thì không lẽ với sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm của lực lượng chức năng lại không thực hiện được?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast