Sáng nay, Bộ Nội vụ họp báo giải đáp thắc mắc về đề xuất sáp nhập tỉnh

Sáng nay (19/7), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì cuộc họp báo giải đáp thắc mắc của dư luận xung quanh đề xuất sáp nhập tỉnh và cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Bộ Nội vụ cho biết, cuộc họp báo diễn ra sáng 19/7 nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết 653/2019 và tổng kết việc thực hiện tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ trì cuộc họp báo là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ.

Sáng nay, Bộ Nội vụ họp báo giải đáp thắc mắc về đề xuất sáp nhập tỉnh

Trụ sở Bộ Nội vụ.

Theo dự thảo được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến trước đó, 5 năm (2016-2021) thực hiện Nghị quyết số 1211, đặc biệt là sau hơn 2 năm (2019-2021) thực hiện Nghị quyết số 653/2019, theo đề nghị của các địa phương, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 85 Nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Kết quả đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước, bước đầu giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị) phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương.

Các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm: 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn); đồng thời, đã triển khai được mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM).

Đáng chú ý nhất là thông tin Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập các tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, khó khăn về quỹ đất, thu hút sự chú ý, quan tâm rất lớn của dư luận.

Cụ thể, các tỉnh miền núi, vùng cao điều kiện để không phải sáp nhập gồm: Có quy mô dân số từ 900 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi: Có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

Dựa vào kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố năm 2019 thì 10 tỉnh dân số ít nhất hiện nay (dân số chỉ dao động từ 314 - 733 nghìn người) gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang.

10 tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên do Bộ Nội vụ đề xuất, có thể bị sáp nhập gồm: Tỉnh Bắc Ninh 822,7 km2; tỉnh Hà Nam 860,5 km2, tỉnh Hưng Yên 926 km2, tỉnh Vĩnh Phúc 1.238,6 km2, TP Đà Nẵng 1.285,4 km2, tỉnh Ninh Bình 1.378,1 km2, TP Cần Thơ 1.409 km2, tỉnh Vĩnh Long 1.475 km2, tỉnh Thái Bình 1.570,5 km2, tỉnh Nam Định 1.652 km2.

Bộ Nội vụ khẳng định, các tỉnh làm điểm sẽ trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét từng trường hợp cụ thể.

Theo Thế Kha/Dantri

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast