Uống rượu bia thế nào ít gây hại sức khỏe?

Uống chậm, đúng liều lượng, không pha rượu với các loại nước hoa quả, không uống khi đói, lựa chọn rượu nguồn gốc rõ ràng để tránh ngộ độc.

Giáp Tết, tình trạng ngộ độc rượu tăng cao. Hôm 4/1, hai người đàn ông 52 và 60 tuổi, ở Vĩnh Phúc sau khi uống rượu thì lơ mơ, tím tái, hôn mê sâu, tử vong. Thời gian qua, cả nước cũng xảy ra nhiều ca tử vong hoặc biến chứng nặng sau khi uống rượu do ngộ độc methanol, chủ yếu do cồn công nghiệp bị người bán hoặc người sản xuất pha trộn vào rượu.

Uống rượu bia thế nào ít gây hại sức khỏe?

Ảnh minh họa

Ngày 7/1, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, cho biết rượu bia là đồ uống chứa cồn, người uống cảm thấy hưng phấn, có ham muốn nhảy nhót, trò chuyện khi uống lượng nhỏ.

Giai đoạn tiếp theo, một số người cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đau đầu hoặc buồn ngủ. Đặc biệt, sử dụng quá nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe về tim mạch, gan, thận, tuỵ, thần kinh, nội tiết.

Cụ thể, đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thậm chí suy tim, đột quỵ nếu uống trong thời gian dài. Lạm dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, viêm tuỵ cấp, đái tháo đường, đặc biệt ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, nói không rõ ràng, điều hòa động tác cơ thể kém; tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay; giảm trí nhớ.

Rượu bia còn gây hại đến hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây chướng bụng, đầy hơi, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy giảm khả năng tình dục, sức khỏe sinh sản...

Trường hợp ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), người bệnh có cảm giác say, sau đó mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết trường hợp đã tổn thương não, mắt và tuần hoàn, thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống, mà phụ thuộc vào lượng cồn uống và tốc độ uống.

“Thực tế cho thấy sử dụng rượu bia với lượng vừa phải, điều độ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lại có lợi cho sức khoẻ, nhất là sức khoẻ tim mạch”, bác sĩ nói.

Trong y học cổ truyền, rượu có vị cay, tính ấm, kết hợp với các vị thuốc bổ khí huyết giúp khí huyết lưu thông, da dẻ hồng hào.

Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.

Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.

Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao. Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng.

Nên tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường. Khi thấy biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị ngộ độc rượu, người nhà nên giữ bệnh nhân tỉnh táo nhất có thể cho đến khi có bác sĩ tới cấp cứu. Không để người ngộ độc rượu một mình, để tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Nên để bệnh nhân nằm đầu cao hoặc ngồi, có thể để nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa.

Hô hấp nhân tạo nếu có dấu hiệu ngưng thở và giữ ấm cơ thể để tránh hạ thân nhiệt đột ngột, gây tử vong. Gia đình nên mang theo hoặc ghi nhớ loại rượu mà người bị ngộ độc uống để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân, xử trí kịp thời. Hoặc gọi điện tới Trung tâm chống độc để được các chuyên gia hướng dẫn, sơ cấp cứu đúng cách.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast