Nước Đức được xếp vào nhóm các quốc gia có lượng tiêu thụ rượu, bia lớn nhất nhì thế giới. Ở quốc gia mà bia được xem như một sản vật không thế thiếu trong suốt nhiều thế kỷ như Đức thì việc hạn chế rượu bia là vấn đề nan giải.
Nước Đức - quê hương của lễ hội bia Oktoberfest. Đất nước nơi mà một thanh niên 16 tuổi đã được phép uống đồ uống có cồn một cách hợp pháp và cũng là nơi mà bạn có thể thử mỗi ngày một loại bia khác nhau liên tục trong vòng 15 năm.
Bà Christina Rummel - Đại diện Trung tâm nghiên cứu các vấn đề về nghiện tại Đức cho rằng: “Xã hội Đức đang chìm trong rượu bia”.
Đức hiện đứng thứ tư thế giới về mức tiêu thụ rượu bia tính trên đầu người, mặc dù người dân Đức đã uống ít hơn so với trước đây. “Trung bình một người Đức tiêu thụ mỗi năm 1 bồn tắm chứa đầy rượu bia, rơi vào khoảng 120 lít/năm”, bà Christina Rummel nói.
Một thú vui nguy hiểm khi mà ước tính mỗi năm có khoảng 74 nghìn ca tử vong tại Đức liên quan đến bia rượu, điều này đưa chúng ta đến câu hỏi tại sao người Đức uống nhiều rượu bia. Theo bà Christina Rummel: “Việc tiêu thụ rượu bia đã ăn sâu vào văn hóa Đức. Người Đức bào chữa cho việc uống rượu bia của mình bằng việc gọi đây một di sản văn hóa”.
Ngoài ra, việc tiếp cận bia rượu tại Đức cũng rất dễ dàng, các sản phẩm có cồn được bán hầu như mọi lúc, mọi nơi tại Đức và được bán với giá khá rẻ so với chi phí sinh hoạt chung. Đức đánh thuế tương đối thấp đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và rượu đặc biệt không phải chịu bất kỳ mức thuế nào.
Một trong những lý do là ngành công nghiệp đồ uống có cồn là một ngành kiếm tiền quan trọng cho nước Đức. Đức hiện là nước xuất khẩu các sản phẩm đồ uống có cồn đứng thứ tư thế giới. Và tất nhiên, ngành công nghiệp này không hề mong muốn người dân Đức ngừng uống rượu.
Ông Rolf Hullinghorst - Chuyên gia về vấn đề nghiện rượu nói: “Có rất nhiều tiền vận động hành lang cho các Bộ ngành và các đảng liên quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm có cồn, vì vậy người ta thường ngại đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó thì các quán bar và báo chí lại liên tục quảng cáo cho bia rượu”.
Và như vậy, người tiêu dùng phải tự đưa ra quyết định về lượng rượu bia mà họ tiêu thụ.