Những kiểu "sáng tạo" pháp luật tai hại

Muốn bán mảnh đất, ngôi nhà của mình phải xin phép hàng xóm, muốn có cơ hội tìm kiếm việc làm phải là người địa phương, hay nhằm huy động các khoản đóng góp tự nguyện của người dân, các cơ quan chức năng lại đặt ra chỉ tiêu giao cho cấp dưới.., đều là những kiểu "sáng tạo" pháp luật tai hại cần sớm được dẹp bỏ...

''Thầy nhà bà làng".

Pháp lệnh cán bộ, công chức và các nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức quy định điều kiện đối với người được tuyển dụng là: Có quốc tịch Việt Nam; Cư trú tại Việt Nam.

Thực hiện cơ chế "một cửa" là biện pháp hiệu quả cải cách hành chính, nhưng việc "sáng tạo" nhiều thủ tục hành chính không đúng quy định của pháp luật sẽ là lực cản của công tác CCHC (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Internet.

Thực hiện cơ chế "một cửa" là biện pháp hiệu quả cải cách hành chính, nhưng việc "sáng tạo" nhiều thủ tục hành chính không đúng quy định của pháp luật sẽ là lực cản của công tác CCHC (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Internet.

Quy định này nhằm bảo đảm cho cán bộ, công chức thực hiện nghĩa vụ trung thành với Nhà nước, với chế độ XHCN, ngăn ngừa việc cán bộ, công chức cấu kết với các phần tử phản động ở nước ngoài xâm hại đến lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, quá trình triển khai ở các địa phương, nhiều tỉnh, thành phố, nhiều huyện, thị xã do không hiểu đúng quy định này hoặc do tư tưởng cục bộ địa phương, lại quy định là: Người muốn dự tuyển công chức, viên chức phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương từ khi đang học phổ thông. Quy định vô lý theo kiểu "Thầy nhà, bà làng" này đã hạn chế cơ hội có việc làm của hàng ngàn sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nguy hại hơn, nó còn làm cho nhiều con em sinh ra, lớn lên ở thành thị muốn về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để cống hiến không còn cơ hội thực hiện. Ngược lại, con em sinh ra, lớn lên ở nông thôn cung không có cơ may ra thành thị lập nghiệp.

"Tự nguyện" theo chỉ tiêu

Vừa qua, để thực hiện chủ trương "xã hội hóa"; "Nhà nước và nhân dân cùng làm" ở một số lĩnh vực, Chính phủ và các bộ, ngành đã cho phép huy động một số loại quỹ mang tính chất tự nguyện trong nhân dân như: quỹ "khuyến học", quỹ "đền ơn, đáp nghĩa"...v.v.

Mặc dù trong văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành đã quy định rất rõ đây là các loại quỹ mang tính chất tự nguyện, nhưng vì muốn thu được nhiều nên nhiều địa phương đã giao chỉ tiêu thu cho cấp dưới. Tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện, huyện lại giao cho xã, xã lại giao cho thôn, xóm.

Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiều địa phương đã ban hành văn bản quy định mức đóng góp theo kiểu định mức cho từng người (cán bộ, công chức tính theo tiền lương, người nông dân tính theo thóc). Như vậy là từ các quỹ tự nguyện, các địa phương lại "biến" thành quỹ bắt buộc.

Muốn bán nhà mình phải xin hàng xóm

Luật đất đai năm 2003 và các nghị định của Chính phủ về chuyển quyền sử dụng đất quy định điều kiện đất được phép chuyển nhượng phải là "đất không có tranh chấp". "Tranh chấp" ở đây phải được hiểu là trường hợp đã có đơn gửi chính quyền hoặc đang bị cơ quan Nhà nước thụ lý việc giải quyết tranh chấp.

Như vậy, muốn biết đất đang có tranh chấp hay không, cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng phải thẩm tra tại UBND cấp xã nơi có thửa đất xin chuyển nhượng. Tuy nhiên, vì không muốn "mất công" đi thẩm tra, xác minh, cơ quan "có thẩm quyền" lại "sáng tạo" ra một loại mẫu giấy "xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất" trong đó yêu cầu phải có đầy đủ chữ ký đồng ý của tất cả các hộ liền kề.

Khốn nỗi, các hộ liền kề có phải lúc nào cũng hòa thuận đâu? Đôi khi chỉ vì mâu thuẫn từ con gà, quả mít… không liên quan gì đến đất đai mà họ vẫn không chịu ký. Thành thử cái lý "đất không có tranh chấp" của cơ quan Nhà nước lại chuyển thành cái "tùy lụy" của người dân vào những người hàng xóm khi muốn đổi nhà, nhượng đất. Đó là chưa nói đến chuyện có khi người tranh chấp đất lại là người ở nơi khác chứ đâu phải là hộ liền kề?

Thiết nghĩ, những kiểu "sáng tạo" pháp luật hết sức tai hại nói trên của chính quyền địa phương và một số ngành đang là lực cản của việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội hiện nay. Các cấp, các ngành cần nhanh chóng rà soát và kịp thời loại bỏ. Cấp nào, ngành nào không thực hiện, Chính phủ cần xử lý nghiêm khắc nhằm giữ vững kỷ cương, phép nước, mang lại niềm tin cho nhân dân vào công cuộc cải cách hành chính mà chúng ta đang cố gắng thực hiện lâu nay.

(PGĐ Sở Tư pháp Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast