Già hóa dân số Nhật Bản - bài học thực tiễn

(Baohatinh.vn) - Qua các phương tiện truyền thông, được biết vấn đề già hóa dân số ở Nhật rất nhiều nhưng khi tận mắt nhìn thấy người già lao động ở Nhật Bản, tôi mới cảm nhận sâu sắc thực tế này. Đây cũng là bài học cho Việt Nam khi tận dụng thời kỳ “dân số vàng” và nâng cao chất lượng dân số.

Người già có thể làm mọi việc

Già hóa dân số Nhật Bản - bài học thực tiễn

Người già làm bảo vệ một cửa hàng ở Nhật Bản

Lái xe phục vụ đoàn nhà báo chúng tôi là bác tài xế Sato, năm nay đã 70 tuổi. Ít ai nhận ra độ tuổi thực của bác nếu không được giới thiệu bởi trông bác rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Lái xe cho chúng tôi suốt một tuần lễ, đi từ thành thị đến nông thôn, qua bao nhiêu đèo dốc rừng núi, nhất là chặng đường đến núi Phú Sĩ nhưng bác vẫn bận áo trắng sơ-vin, giày tất trắng, đặc biệt là nụ cười hiền hậu. Như mọi tài xế ở Nhật Bản, đến bữa, bác Sato ăn cơm ở nơi khác và đúng giờ thì có mặt ở xe, nhanh nhẹn sắp xếp vali cho khách.

Già hóa dân số Nhật Bản - bài học thực tiễn

Người già lao động ở công viên chùa Tokyo

Dọc chuyến hành trình, chúng tôi còn nhìn thấy rất nhiều người già đang làm việc ở Tokyo, Kyoto, Nagayo, Chi ba…Người thì làm lao công ở công viên, chùa chiền, người thì làm bảo vệ cho các cửa hàng, cửa hiệu, nhiều người là tài xế xe buýt, phần lớn là các cụ ông. Họ mặc trang phục chỉnh tề, tươm tất, phong thái như người trẻ.

Nguyễn Hữu Quân - hướng dẫn viên của Vietravel, người có nhiều năm sống ở Nhật Bản, cho chúng tôi biết: Do chất lượng cuộc sống tốt nên người già ở Nhật sống rất lâu và họ sống rất độc lập, không lệ thuộc con cái. Thường thì họ sống với nhau hoặc sống một mình, đi làm như người trẻ, ăn các thức ăn nhiều chất dinh dưỡng và ăn rất khỏe. Con cái họ, vì áp lực công việc nên cũng ít khi về thăm cha mẹ.

Dọc đường đến núi Phú Sĩ, nhìn thấy nhiều ngôi nhà nhỏ bỏ hoang, chị bạn đồng nghiệp hỏi và được Quân giải thích: Những người già đã sống biệt lập ở đó, có khi mất rồi hàng xóm, con cái mới biết. Cũng có những đứa con mấy năm không về thăm cha mẹ nên không ít người già đã sống trong cô đơn. Nước Nhật văn minh và hiện đại thuộc hàng đầu thế giới, nơi con người như cỗ máy làm việc suốt ngày đêm, đến giấc ngủ cũng khó trọn vẹn, vì vậy về phương diện nào đó, người già không khỏi thiếu thốn về mặt tình cảm.

Chăm lo gìn giữ môi trường sống

Già hóa dân số Nhật Bản - bài học thực tiễn

Người già làm lao công ở công viên Hoàng cung - Nhật Bản

Người già ở Nhật Bản cũng là những người mẫu mực trong công việc và trong hành vi ứng xử với môi trường. Chính họ đã truyền đạt cho con cháu tư tưởng “dọn rác cũng là dọn sạch tâm hồn mình” theo thuyết thần đạo nên đời nối đời, người Nhật không ai vứt rác ra đường. Họ coi rác là tài nguyên, nếu có mẩu rác nào ngay lập tức nhặt lên đưa vào nhà và phân loại.

Cùng với các quyết sách của Chính phủ, đi đâu trên đất nước Nhật Bản cũng khó tìm thấy một mẩu rác. Tôi đã nhìn thấy một cụ già quét rác ở Hoàng Cung Tokyo. Cụ cặm cụi làm việc, tỉ mẩn, chỉn chu, không để ý gì đến xung quanh. Một cụ già khác ở chùa cổ Tokyo thì cẩn thận tỉa từng cành cây, nhổ từng bụi cỏ. Chính vì vậy, Nhật Bản dù có nhiều địa chỉ tâm linh, di tích danh thắng với hàng ngàn du khách viếng thăm nhưng tuyệt nhiên không một mẩu rác.

Đặc biệt, tôi để ý, như bao người trẻ khác, bác tài xế Sato không hề hút thuốc lá lúc chờ khách, nói năng rất nhỏ nhẹ. Đây cũng là hình ảnh mà tôi nhìn thấy ở bãi đỗ xe của thành cổ Osaka: Khi chờ khách, các bác tài xế già (có bác còn già hơn cả bác Sato, râu tóc bạc trắng) thường tranh thủ lấy báo ra đọc.

Giải pháp với già hóa dân số

Dân số của Nhật Bản đạt 127.162.625 người vào ngày 26/04/2019 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. Theo CNN, Nhật Bản cũng là quốc gia “siêu già” với hơn 20% dân số ở độ tuổi từ 65 trở lên. Năm 2018, dân số của Nhật đạt 124 triệu người, nhưng được dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 88 triệu người vào năm 2065. Để có thêm nguồn lực lao động, những năm qua, Nhật Bản đã có nhiều chính sách thu hút số lượng lờn lao động trẻ đến Nhật làm việc và Việt Nam là một trong số đó.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm tháng 6/2018, người Việt Nam sống và làm việc tại Nhật Bản là 291.494 người, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2015 là 124.820 người. Với số lượng này thì Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Người Việt Nam (trong đó có Hà Tĩnh) sang Nhật làm đủ thứ nghề, từ lao động phổ thông trong các nhà máy đến phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng cửa hiệu. Lao động Việt Nam chất lượng cao rất ít ở Nhật.

Du học sinh Việt Nam cũng khá đông, thường các em đi làm thêm công việc phụ bán hàng tại các trung tâm mua sắm, phục vụ lễ tân, nấu nướng trong các nhà hàng, khách sạn. Thu nhập đủ để trang trải các chi phí học tập. Chúng tôi đã gặp các em trong các trung tâm mua sắm ở Tokyo, trong các khách sạn ở Nagayo, Kyoto…

Già hóa dân số Nhật Bản - bài học thực tiễn

Tận dụng thời kỳ dân sô vàng, Khu KT Vũng Áng tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong và ngooài nước. Ảnh: Dương Chiến

Đang là quốc gia ở thời kỳ “dân số vàng”, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để tạo ra nguồn lực lao động chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, cần tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người trẻ. Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút nhân tài, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch để tăng năng suất lao động, cải thiện thu nhập cho người lao động.

Giáo dục ý thức, đào tạo kiến thức, kỹ năng lao động, làm tốt công tác hướng nghiệp cho người trẻ để họ có thể yên tâm ở lại làm việc và cống hiến ngay trên đất nước mình là vô cũng cần thiết. Bên cạnh đó, cần có chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là người cao tuổi để họ sống vui, sống khỏe, sống có ích, đóng góp sức mình xây dựng đất nước.

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast