Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả từ điều chỉnh địa giới hành chính

(Baohatinh.vn) - Kể từ khi xuất hiện địa danh Hà Tĩnh, mảnh đất này đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới, trong đó từ khi tái lập tỉnh lại nay, đã 15 lần điều chỉnh với các mức độ, phạm vi khác nhau.

Mỗi một lần điều chỉnh, các địa phương có một diện mạo riêng, tuy phong thổ và cộng đồng dân cư vẫn thế.

Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả từ điều chỉnh địa giới hành chính

Toàn cảnh thành Hà Tĩnh xưa (Ảnh chụp lại trong sách “An Tĩnh cổ lục” của tác giả Hippolyte Le Breton)

Dưới thời kỳ phong kiến, vùng đất Hà Tĩnh ngày nay khi thuộc bộ, khi thuộc châu, trấn - tùy tên gọi do các vương triều đặt ra trong chính sách quản lý. Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chính trên quy mô toàn quốc, tách phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An, thành lập tỉnh Hà Tĩnh. Từ đó, tên gọi tỉnh Hà Tĩnh chính thức xuất hiện.

Tiếp sau đó, vẫn dưới thời vua Minh Mệnh, rồi Thiệu Trị, Tự Đức, mảnh đất Hà Tĩnh tiếp tục có những điều chỉnh, khi cắt tổng, thành lập huyện, nhập huyện, khi đổi phủ, khi bỏ tỉnh lập đạo (1853-1874), khi bỏ đạo tái lập tỉnh (1875).

Nhìn chung, trong các thời kỳ lịch sử dưới sự trị vì của các nhà vua, nhất là triều Nguyễn, vùng đất Hà Tĩnh dẫu bị tác động bởi những thay đổi trong cách nhìn về quản lý nhưng đều cho thấy vai trò của nơi đây đối với chính quyền trung ương. Vùng Hà Tĩnh không chỉ có địa thế quan trọng, phong thổ có nét riêng mà còn là vùng đất giàu truyền thống, vừa mang tính chất chung của văn hóa Việt Nam vừa đậm đà sắc thái riêng mang tính địa phương.

Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả từ điều chỉnh địa giới hành chính

TP Hà Tĩnh ngày nay.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V (ngày 27/12/1975), tỉnh Hà Tĩnh được hợp nhất với tỉnh Nghệ An. Đến năm 1991, Hà Tĩnh và Nghệ An tách thành 2 tỉnh; địa bàn Hà Tĩnh từ bấy đến bây giờ vẫn như ngày sơ thiết (1831).

Theo thống kê của Sở Nội vụ, từ năm 1991 đến nay, Hà Tĩnh thực hiện 15 lần điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, xã.

Từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thị xã và 8 huyện), 256 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường, 10 thị trấn, 244 xã) đến cuối năm 2019, Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện), 262 đơn vị hành chính cấp xã (21 phường, 12 thị trấn và 229 xã).

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, Hà Tĩnh đã sắp xếp 80 xã, hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã.

Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả từ điều chỉnh địa giới hành chính

Người dân thôn Tân Định, xã Đức Yên cũ (Đức Thọ) điền vào phiếu lấy ý kiến về sáp nhập với thị trấn Đức Thọ, năm 2019 (Ảnh: Nam Thắng)

Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ, với kết quả này, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh giảm nhiều đơn vị hành chính nhất cả nước (tỷ lệ giảm đạt 17,56%, đứng thứ 4 cả nước). Hiện nay, Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 10 huyện), 216 đơn vị hành chính cấp xã (21 phường, 13 thị trấn và 182 xã).

Bà Phan Thị Tố Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho hay: “Sắp xếp các ĐVHC cấp xã vừa qua đã giúp cho các ĐVHC cấp xã có đủ điều kiện để xây dựng quy hoạch một cách quy mô, tăng cường khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách trên địa bàn. Công tác sắp xếp đã đạt được hiệu quả nhất định với “3 giảm, 5 tăng”. “3 giảm” là: giảm 46 xã; giảm cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách xã với tỷ lệ giảm 46,7%; giảm chi hành chính gần 140 tỷ/năm. “5 tăng” gồm: tăng không gian phát triển; tăng tư duy tầm nhìn, kết nối vùng cho đội ngũ; tăng nguồn lực đầu tư phát triển; tăng hiệu lực, hiệu quả điều hành; đặc biệt là tăng niềm tin của nhân dân với Đảng”.

Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả từ điều chỉnh địa giới hành chính

Ngày 1/1/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Hà long trọng tổ chức lễ công bố thành lập xã Tân Lâm Hương theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14, ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có thể thấy, cùng với các dấu mốc vàng son, lịch sử ở một mặt nào đó còn là câu chuyện của những biến động, thay đổi về địa giới. Khi một vùng đất được khai mở (như mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, ra biển Đông); một đơn vị hành chính được hình thành là cả một câu chuyện rất trăn trở về tư duy và mục đích điều hành, quản lý hướng tới chiến lược.

Thế nên, mới đây, khi Hà Tĩnh hình thành 34 xã mới, đã có tới 96,91% cử tri đồng tình điều chỉnh địa giới, thực hiện sắp xếp. Hẳn nhiên, người dân hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phải sáp nhập xã để phù hợp xu thế phát triển, đáp ứng với tiến bộ thời đại trong quản lý, đồng thời tinh giản biên chế...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast