Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên “đau đầu” vì sự cố, khan hiếm nguồn nước thô

(Baohatinh.vn) - Nếu như 10 ngày tới trời vẫn không mưa, hồ Kẻ Gỗ sẽ chạm mực "nước chết". Điều này, đồng nghĩa với việc nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) sẽ không còn. Trong khi đó, nhà máy còn đối mặt với tình trạng thất thoát nước do sự cố đường ống xảy ra thường xuyên.

Hai tháng, 9 lần xử lý sự cố

Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên “đau đầu” vì sự cố, khan hiếm nguồn nước thô

Công nhân Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên xử lý sự cố đường ống tại cầu chợ Cầu (xã Cẩm Thạch)

Khoảng 2 tháng nay, công nhân Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên (đóng chân tại xã Cẩm Thạch) thuộc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh phải tập trung cao cho công tác kiểm tra hệ thống đường ống để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố.

Anh Lê Văn Lâm – phụ trách trạm cấp nước số 3, Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên cho biết: “Từ khi công trình cầu chợ Cầu (xã Cẩm Thạch) được triển khai thi công thì sự cố đường ống xảy ra liên tục, ảnh hưởng xấu đến việc cấp nước cho nhân dân. Chỉ trong vòng hai tháng đã xảy ra 9 sự cố gãy, vỡ đường ống dẫn nước. Nhà máy phải huy động 100% cán bộ, công nhân kỹ thuật và Trung tâm hỗ trợ thêm nhân lực để khắc phục nhanh sự cố.

Để giải quyết sự cố, ít thì mất 1 ngày, nhiều thì 1 ngày, 1 đêm, thậm chí có thể hơn nữa. Nhiều đêm anh em chúng tôi thức trắng để thông đường ống, đảm bảo cấp nước phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân, nhất là trong thời điểm nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay”.

Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên “đau đầu” vì sự cố, khan hiếm nguồn nước thô

Từ khi công trình cầu chợ Cầu (xã Cẩm Thạch) thi công thì sự cố đường ống xảy ra liên tục, ảnh hưởng xấu đến việc cấp nước cho nhân dân.

Thời tiết nắng nóng, việc “thăm khám” và "chữa bệnh" cho đường ống của cán bộ, công nhân Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên càng vất vả. Thêm vào đó, trong quá trình khắc phục sự cố, một số công nhân thi công cầu chợ Cầu ý thức kém, dẫm trên cả đường ống vừa mới được đấu nối dẫn đến tình trạng sụt lún, phải kéo dài thời gian khắc phục.

Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên “đau đầu” vì sự cố, khan hiếm nguồn nước thô

Một số công nhân thi công công trình cầu chợ Cầu vô tư đi trên cả đường ống vừa mới được đấu nối dẫn đến tình trạng sụt lún, hư hỏng.

Lãnh đạo Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên chia sẻ: "Sự cố đường ống xảy ra liên tục thời gian qua không chỉ làm mất thời gian, chi phí khắc phục, ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất, kinh doanh của nhà máy mà còn gây thất thoát lượng nước lớn trong nhân dân."

Khan hiếm nguồn nước thô

Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên “đau đầu” vì sự cố, khan hiếm nguồn nước thô

Hiện mực nước hồ Kẻ Gỗ đang ở mức báo động, Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên đang đối mặt với thực trạng khan nguồn nước thô

Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên lấy nguồn nước thô từ hồ Kẻ Gỗ. Hiện mực nước hồ Kẻ Gỗ đang ở mức báo động, nhà máy đang đối mặt với thực trạng khan nguồn nước thô. Anh Lê Văn Lâm – Phụ trách trạm cấp nước số 3 thông tin thêm: “Năm nay, lượng mưa rất ít. Mùa khô nắng nóng khắc nghiệt, kéo dài trên diện rộng, hiện mực nước hồ Kẻ Gỗ mỗi ngày giảm xuống khoảng 25 cm. Ngày hôm nay, cốt của hồ Kẻ Gỗ là 19.64, do đó mực nước bơm từ hồ lên rất yếu không đủ để nhà máy vận hành sản xuất.

Nếu như trời vẫn không mưa thì tầm 10 ngày nữa, nhà máy sẽ không có nguồn nước thô để sản xuất. Điều này đồng nghĩa 4.800 hộ dân thuộc các xã Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch và Cẩm Mỹ sẽ không có nước sạch để sinh hoạt".

Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên “đau đầu” vì sự cố, khan hiếm nguồn nước thô

Cán bộ Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên vận hành dây chuyền sản xuất

Bàn về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Hồng Quang – Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho hay: “Nguồn nước thô của Nhà máy Nước Bắc Cẩm Xuyên phụ thuộc hoàn toàn vào hồ Kẻ Gỗ.

Trong điều kiện khô hạn như hiện nay, Trung tâm đã làm việc, báo cáo tình hình với Sở NN&PTNT. Khi không thể khai thác nguồn nước thô ở hồ Kẻ Gỗ, chúng tôi kiến nghị Sở có phương án điều tiết nước từ hồ Bộc Nguyên thì nhà máy mới có thể vận hành, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast