Công nhân Nhà máy nước Hồng Lĩnh đang kiểm tra công tơ để chuẩn bị mang đi lắp đặt cho khách hàng...
Nếu nhiều hộ dân ở TDP 10, 11 của phường Trung Lương luôn duy trì đường ống dẫn nước từ khe về dùng thì người dân ở xã Thuận Lộc vẫn giữ những giếng khơi để đề phòng mất nước máy. Thực tế cũng cho thấy, những năm trước, ở các vùng này đã xẩy ra tình trạng thiếu nước sạch trong mùa nắng nóng.
Năm nay, trong phương án cấp nước của Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh (thuộc Công ty Cổ phần cấp nước Hà Tĩnh) thì đây là những địa chỉ thuộc diện phải cắt nước vào ban đêm, mở hạn chế vào ban ngày nếu xẩy ra thiếu nguồn nước thô.
Rất nhiều hộ dân sinh sống gần chân núi, sát bờ suối ở phường Trung Lương đang duy trì các vòi dẫn nước để đề phòng thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè...
Hiện nay, nguồn nước thô cung cấp cho dây chuyền sản xuất của Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh được lấy từ hồ Thiên Tượng (phường Bắc Hồng) với trữ lượng 850.000m3 và hồ Khe Dọc (phường Trung Lương) với trữ lượng 400.000 m3.
Tuy nhiên, do hồ Khe Dọc nước đáy không đảm bảo chất lượng, phải lấy nước mặt qua xi phông nên chỉ sử dụng được từ 200.000 - 250.000m3.
Là nguồn chính để cung cấp nước sạch cho thị xã Hồng Lĩnh và vùng phụ cận nhưng hồ Thiên Tượng chỉ có trữ lượng 850.000 m3 nên không đủ cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước...
Ông Trần Văn Cường - Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đã cấp nước cho 113.500 khách hàng trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và các xã lận cận của huyện Can Lộc, Đức Thọ nhưng không đủ. Do tình trạng nguồn nước thô như hiện nay nên dù công suất của nhà máy là 7.000 m3/ngày đêm nhưng chỉ hoạt động ở mức khoảng 6.000 m3/ngày đêm.
Hàng năm, nhà máy thường thiếu hẳn nguyên liệu đầu vào từ 1 - 1,5 tháng vào giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm. Và theo dự báo, năm nay cũng không ngoại lệ nên chúng tôi cũng đang rất lo lắng và gấp rút tìm biện pháp ứng phó”.
Dù chưa đến mùa hè nhưng mực nước ở hồ Thiên Tượng đã xuống thấp
Dù tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng việc khắc phục chưa đem lại hiệu quả, thậm chí được xem là "nhiệm vụ bất khả thi" trong thời điểm hiện nay. Việc tuyên truyền vận động tiết kiệm nước, tận dụng tối đa nguồn nước có thể lấy, phát huy tối đa công suất máy móc, thiết bị... vẫn không thể thay đổi tình hình.
Thậm chí, Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh đã và đang sử dụng những phương án cực đoan hơn như chở nước nơi khác về cung cấp miễn phí cho các hộ sống ở vùng cao; khuyến khích các hộ ở gần khe suối sử dụng nước tự nhiên; cúp nước vào ban đêm đối với một số nơi... nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu và khiến người dân yên tâm.
Công nhân Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh vận hành hệ thống máy để đưa nước thô lên bể lọc...
Thiếu nguồn nước thô không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy nước. Từ nhiều năm nay, dù công suất dây chuyền sản xuất vẫn còn nhưng Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh vẫn phải duy trì số lượng khách hàng ổn định, không dám mở rộng mạng lưới.
Thời gian gần đây, nhiều xã như Đức Thủy, Đức Trung (Đức Thọ), Song Lộc, Trường Lộc, Vượng Lộc (Can Lộc)... đã đến đặt vấn đề xin được mua nước sạch. Dẫu "tiếc", nhưng nhà máy không còn cách nào khác ngoài việc từ chối.
Mặc dù nhu cầu nước sạch đang còn nhưng do thiếu nguồn nước đầu vào nên Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh không thể hoạt động hết công suất...
Không chỉ hiện tại mà nhiều người dân ở Hồng Lĩnh còn rất lo lắng khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, thời tiết ngày một cực đoan, nhu cầu nước sạch sẽ ngày một lớn nhưng lời giải cho vấn đề nan giải này đến nay vẫn đang “bí”.
Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Hồng Lĩnh chia sẻ thêm: “Sắp tới nhu cầu về sử dụng nước trên địa bàn và các vùng phụ cận là rất lớn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở các cụm công nghiệp Nam Hồng, Trung Lương và Cổng Khánh. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng thêm Nhà máy nước Đá Bạc. Tuy nhiên, để thực hiện dự án thì cần rất nhiều tiền và cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn để làm”.