Lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ đọng văn bản

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, hiện chỉ còn 7 văn bản phải ban hành trước 15/10.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 đang diễn ra, sáng 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương 9 tháng đầu năm 2016.

lan dau tien chinh phu khong con no dong van ban

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Tập đoàn Điện lực thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Tổ công tác. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Số nhiệm vụ quá hạn giảm rõ rệt

Theo đó, từ đầu năm tới ngày 30/9, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 6.846 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Có 3.332 nhiệm vụ đã hoàn thành, chưa hoàn thành 3.514, trong đó có 148 nhiệm vụ đã quá hạn chưa hòan thành.

Kể từ khi Tổ công tác của Thủ tướng được thành lập, tiến hành kiểm tra một số bộ, cơ quan và địa phương, đặc biệt là từ sau việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tự tiến hành rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tình hình đã có chuyển biến rõ nét. Tới nay, số nhiệm vụ đã hoàn thành tăng 45% so với tháng trước, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; số nhiệm vụ chưa thực hiện quá hạn chỉ chiếm 4,2% (giảm 5% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước).

Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động rà soát, đôn đốc và tự tiến hành kiểm tra nội bộ cơ quan mình trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng. “Điều đó cho thấy tác động trực tiếp, có ý nghĩa lan tỏa từ hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ ở các bộ, cơ quan nơi Tổ công tác đến kiểm tra mà tạo chuyển biến tích cực ở hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định.

Tổ công tác cũng đã nêu rõ kết quả kiểm tra các cơ quan trong tháng 9, gồm Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nêu rõ các kết đạt được, những tồn tại hạn chế ở các cơ quan.

Đặc biệt, kết quả kiểm tra Văn phòng Chính phủ cho thấy, công tác tham mưu của Văn phòng Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tham mưu, thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 90 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, hiện chỉ còn 7 văn bản phải ban hành trước 15/10. Đây là lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn.

Thực hiện ngay một số nhiệm vụ

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra và các bộ, cơ quan liên quan triển khai ngay một số nhiệm vụ.

Cụ thể, với Văn phòng Chính phủ, khi tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho bộ, cơ quan, địa phương thực hiện phải đủ cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo hướng không đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bảo đảm tính khả thi của việc thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình thẩm tra phải có ý kiến rõ ràng, tính phản biện cao; làm tốt hơn nữa vai trò điều phối đối với các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là đối với các vấn đề bộ, cơ quan, địa phương còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất được…

Với Thanh tra Chính phủ, phải đề cao hơn nữa tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Chỉ đạo các cục, vụ liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ giao quá hạn như đã cam kết với Đoàn kiểm tra.

UBND TP Hà Nội khẩn trương hoàn thành phương án phá dỡ tổng thể khi xử lý sai phạm tại số 8B Lê Trực, cần có biện pháp kiên quyết, khẩn trương hơn nữa để xử lý dứt điểm. Kiên quyết xử lý, tịch thu tất cả các xe giả danh thương binh, lợi dụng thương binh để bảo kê cho các xe ba bánh tự chế; ngăn chặn triệt để tình trạng các loại xe này chở hàng cồng kềnh là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông trên đường phố. Phân loại phương tiện, phân tuyến, phân giờ cụ thể cho từng loại phương tiện vận tải lưu thông trong thành phố, đặc biệt là các loại xe tải, xe chở vật liệu xây dựng; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định này...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung tái cấu trúc Tập đoàn theo đề án đã được phê duyệt; tập trung xây dựng lưới điện thông minh theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử…

Thủ tướng đề nghị nhân rộng mô hình Tổ công tác

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, qua việc kiểm tra, đôn đốc, tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao đã chuyển biến tích cực, có nhiều tiến bộ ở các cơ quan sau kiểm tra. Thủ tướng đánh giá cao việc giảm rõ rệt số nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành và việc lần đầu tiên Chính phủ không nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đây là cố gắng rất lớn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải nhận thức rõ, Tổ công tác được ủy quyền của Thủ tướng, việc kiểm tra là vì công việc chung; trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra và có thể quay lại kiểm tra những nơi đã kiểm tra. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương có thể thành lập các tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, xử lý những trường hợp không thực hiện, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện nói đi đôi với làm.

Thủ tướng đồng ý với những kiến nghị của Tổ công tác và yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Tập đoàn Điện lực thực hiện nghiêm túc các kiến nghị này.

“Có thể nêu một loạt việc đã có kết luận mà một số địa phương, một số bộ ngành chưa chịu làm. Nhưng việc quan trọng, nhất là liên quan đến dân, thì phải triển khai nghiêm túc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, đánh giá tình trạng nợ đọng văn bản đã cơ bản được khắc phục, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục rà soát, ban hành các thông tư còn nợ đọng. Các Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trưởng, NN&PTNT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 7 văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải trình Chính phủ ban hành trước ngày 15/10; trước ngày 15/11, trình các văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ 1/1/2017.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast