Nông sản Hà Tĩnh có bắt nhịp cơ hội OCOP?

(Baohatinh.vn) - Được ví như vòng tròn tương sinh, có giá trị nhân văn cao, chương trình OCOP đang đưa nông sản Hà Tĩnh đến với những cơ hội và thách thức mới. Ai sẽ là ngọn lửa được cháy lên trước làn gió OCOP, điều đó phụ thuộc vào quyết tâm, nỗ lực, bản lĩnh của người sản xuất.

Nông sản Hà Tĩnh có bắt nhịp cơ hội OCOP?

Nem chua Ý Bình là sản phẩm duy nhất của Hà Tĩnh được chọn chấm mẫu tại Hội chợ OCOP Đồng bằng sông Cửu Long và đã được ghi nhận đạt 3 sao.

Sau khi có chủ trương của Trung ương, Hà Tĩnh đã khảo sát, xây dựng và ban hành đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030” (đề án OCOP). Đề án được xây dựng trên quan điểm lấy người dân làm chủ thể, thông qua HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng tổ chức sản xuất. Trong chương trình OCOP, Nhà nước sẽ khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức phát triển theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Nông sản Hà Tĩnh có bắt nhịp cơ hội OCOP?

HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương được đầu tư công nghệ mặt trời trong chế biến nước mắm kể từ khi tham gia chương trình OCOP.

Theo đó, chương trình OCOP sẽ ưu tiên những sản phẩm mang tính truyền thống, lợi thế của các vùng miền hoặc sử dụng 50% nguyên liệu của địa phương và phải do người dân trên địa bàn cung cấp. Trong 6 nhóm sản phẩm tham gia chương trình OCOP (thực phẩm, đồ uống, may mặc, thủ công mỹ nghệ, du lịch, bán hàng) thì hiện nay đang chiếm ưu thế ở Hà Tĩnh là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm.

Ông Lê Xuân Tùng - phụ trách Phòng Kế hoạch, giám sát, truyền thông - Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh cho biết: “Hiện nay, Hà Tĩnh chưa có sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP. Chúng tôi đã lựa chọn 6 sản phẩm điểm để tham gia chương trình OCOP gồm: Cu đơ Phong Nga, nước nắm Phú Khương, nước mắm Lạch Kèn, cam Khe Mây, bánh đa nem Thuận Kỷ và nem chua Ý Bình. Bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực, kích thích được trí sáng tạo, niềm đam mê của người sản xuất”.

Nông sản Hà Tĩnh có bắt nhịp cơ hội OCOP?

Tham gia chương trình OCOP, cam Khe Mây được kỳ vọng sẽ được nâng tầm và mở rộng thị trường

Vừa qua, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM đã đưa cu đơ Phong Nga, nước mắm Phú Khương và nem chua Ý Bình tham gia hội chợ OCOP Đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội chợ, sản phẩm nem chua Ý Bình đã được lựa chọn để chấm mẫu và được đánh giá đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Chị Lê Thị Bình - chủ cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình (thị trấn Phố Châu - Hương Sơn) cho biết: “Dù chưa chính thức được cấp chứng nhận 3 sao nhưng kết quả chấm mẫu tại hội chợ đã tạo động lực để chúng tôi nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong đầu tư cơ sở vật chất cũng như ý tưởng để phát triển, nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm vươn tới những giá trị mới”.

Những kết quả bước đầu từ chương trình OCOP đã và đang tạo động lực để nhiều cá nhân xây dựng kế hoạch tham gia chương trình. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 112 sản phẩm đăng ký tham gia. Văn phòng Điều phối xây dựng NTM đã lựa chọn được 86 sản phẩm (vòng 1) và dự kiến đến tháng 10/2019 sẽ tiến hành chấm các sản phẩm để trao chứng nhận OCOP. Những sản phẩm được cấp chứng nhận cũng sẽ được giới thiệu, quảng bá trên tất cả các trang thương mại điện tử của tỉnh.

Song song với quá trình lựa chọn, chấm sản phẩm, tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng hệ thống các điểm bán hàng nhằm giới thiệu sản phẩm OCOP. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng tại cơ sở sản xuất nước mắm Phú Khương 1 điểm, tại Hương Sơn 1 điểm và kết nối xây dựng 1 điểm tại Khu du lịch Cửa Lò (Nghệ An) để bày bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh. Chương trình OCOP với phương châm “OCOP Hà Tĩnh vì lợi ích cộng đồng, chất lượng làm nên thương hiệu” đã và đang thu hút sự quan tâm của người dân.

Nông sản Hà Tĩnh có bắt nhịp cơ hội OCOP?

Doanh thu của cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga (xã Thạch Đài - Thạch Hà) tăng khoảng 12% sau khi tham gia OCOP.

Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: “Tham gia chương trình OCOP, ban đầu, chúng tôi gặp một số khó khăn trong việc đáp ứng bộ tiêu chí về nhóm gia vị của loại sản phẩm thực phẩm, việc tạo phong cách cho bao bì và khả năng tiếp thị. Chúng tôi cũng khá lạ lẫm với một số vấn đề như quảng bá sản phẩm, viết câu chuyện về sản phẩm… Tuy nhiên, được sự quan tâm của cán bộ chuyên trách, sự hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Hiện nay, chúng tôi đã được hỗ trợ mở rộng cơ sở khang trang hơn, đầu tư công nghệ mặt trời, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu tư bao bì, nhãn mác có dấu ấn hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các tiêu chí để đạt được điểm cao trong đợt chấm điểm sắp tới của tỉnh”.

Tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm được chấm theo những bộ tiêu chí riêng và sau khi chấm sẽ được xếp thành các hạng: 5 sao (đạt tiêu chuẩn xúc tiến thương mại trên toàn quốc và xuất khẩu); 4 sao (đạt tiêu chuẩn xúc tiến thương mại trên toàn quốc); 3 sao (đạt tiêu chuẩn xúc tiến thương mại trong tỉnh, tập trung nâng cấp phát triển lên hạng 4 sao).

Sản phẩm của mỗi tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP sẽ được hưởng chính sách theo Nghị quyết 123 của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí quy hoạch, phương án, dự án, kế hoạch phát triển SXKD; chuyển giao công nghệ mới; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; xây dựng kho, xưởng bảo quản; xây dựng mô hình liên kết sản xuất; đào tạo quản trị, khởi nghiệp, đào tạo nghề; xúc tiến thương mại...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast