Quá trình Hamas xây dựng đội quân 40.000 người đối đầu Israel

Từ lực lượng chưa đầy 10.000 thành viên, Hamas không ngừng huấn luyện, xây dựng đội quân 40.000 tay súng tại Dải Gaza, trở thành thách thức lớn với Israel.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 6/12 thông báo đã hạ ít nhất 10 chỉ huy tiểu đoàn của Hamas trong hai tháng tiến hành chiến dịch tấn công, làm suy giảm đáng kể năng lực tác chiến của những đơn vị này.

Israel đang mở rộng hoạt động tấn công xuống miền nam Dải Gaza, trong chiến dịch quy mô lớn nhằm đáp trả cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10. Tuy nhiên, IDF được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tác chiến đô thị ở miền nam Gaza, đối đầu với đội quân được Hamas xây dựng, huấn luyện trong nhiều thập kỷ.

Quá trình Hamas xây dựng đội quân 40.000 người đối đầu Israel

Thành viên Hamas tham gia cuộc diễu hành kỷ niệm 31 năm thành lập nhóm tại Gaza City tháng 12/2018. Ảnh: Reuters

Hamas được thành lập từ năm 1992, ban đầu là nhóm nhỏ những người rải truyền đơn phản đối Israel chiếm đóng các khu vực của người Palestine. Trong giai đoạn đầu, Hamas có chưa đầy 10.000 thành viên, nhưng đến nay đã phát triển thành một tổ chức quy mô lớn, sở hữu cánh vũ trang với 24 tiểu đoàn được huấn luyện và trang bị mạnh.

Một nguồn tin thân cận với Hamas nhận định nhóm này là “một đội quân thu nhỏ” với quân số khoảng 40.000 người, thậm chí có một trường quân sự ở Gaza đào tạo nhiều chuyên ngành, trong đó có tác chiến không gian mạng, cùng một đơn vị biệt kích đường biển.

Ali Baraka, quan chức cấp cao Hamas, cho hay để vũ trang cho đội quân này giữa các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo của Israel, Hamas đã phải kết hợp giữa nhận hỗ trợ từ bên ngoài với tự nghiên cứu, chế tạo vũ khí.

Theo ông Baraka, người đang sống tại Lebanon, Hamas từ lâu đã được Iran và các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn trong khu vực như Hezbollah ở Lebanon hỗ trợ về tài chính cũng như huấn luyện quân sự, nhằm xây dựng cánh vũ trang thiện chiến nhất ở Dải Gaza.

Ismail Haniyeh, lãnh đạo Hamas, năm ngoái cho biết nhóm đã nhận 70 triệu USD hỗ trợ quân sự từ Iran. Theo thống kê năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Iran cung cấp khoảng 100 triệu USD mỗi năm cho các nhóm vũ trang như Hamas, Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) và Bộ chỉ huy Mặt trận Thống nhất Giải phóng Palestine (PFLP-GC).

Một nguồn tin an ninh Israel cho biết, Iran năm qua tăng đáng kể tài trợ cho cánh quân sự của Hamas từ 100 triệu USD lên khoảng 350 triệu USD/năm.

Hamas cũng “phát triển năng lực và có thể chế tạo vũ khí tại chỗ” để phục vụ nhu cầu của mình, Baraka cho hay. Trong Chiến tranh Gaza năm 2008, rocket của Hamas có tầm bắn tối đa 40 km. Tới năm 2021, nhóm này sở hữu những quả rocket có tầm bắn 230 km, đủ sức vươn tới nhiều đô thị lớn của Israel, trong đó có Tel Aviv.

Quá trình Hamas xây dựng đội quân 40.000 người đối đầu Israel

Thành viên Hamas diễu hành cùng bệ phóng rocket tại thành phố Khan Younis, miền nam Dải Gaza tháng 5/2021. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi có rocket sản xuất tại chỗ, song cũng nhận rocket tầm xa từ bên ngoài như Iran, Syria và một số quốc gia khác qua ngả Ai Cập”, ông Haniyeh nói.

Nhiều nguồn tin khẳng định dù Iran huấn luyện, trang bị vũ khí và tài trợ cho Hamas, không có dấu hiệu nào cho thấy Tehran chỉ đạo hoặc ủy quyền cho nhóm thực hiện vụ tấn công vào Israel hôm 7/10. “Quyết định đến vào giờ chót, tất cả nằm trong tay Hamas”, một nguồn tin cho biết.

Theo một nguồn tin an ninh khu vực, Hamas từ đầu những năm 2000 xây dựng hệ thống địa đạo tại Dải Gaza để các thành viên ẩn náu, cũng như bố trí xưởng sản xuất vũ khí và tích trữ thiết bị quân sự được chuyển vào từ bên ngoài. Các quan chức Hamas cho biết nhóm đã mua được nhiều loại bom, súng cối, rocket, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không.

Hệ thống địa đạo Hamas sau gần 30 năm xây dựng có tổng chiều dài khoảng 500 km, với hàng nghìn lối ra vào phức tạp. IDF thông báo đã phát hiện 800 lối dẫn xuống hệ thống địa đạo này kể từ khi chiến sự bùng phát, phá hủy 500 cửa hầm, nhưng vẫn chưa thể nắm hết mạng lưới phức tạp này.

Quân đội Israel ngày 6/12 công bố hình ảnh cho thấy các binh sĩ lắp đặt đường ống dẫn nước trên bờ biển Địa Trung Hải tại Dải Gaza, dường như là để bơm nước làm ngập hệ thống địa đạo của Hamas. Đây được coi là giải pháp “bất đắc dĩ” của Israel để vô hiệu hóa hệ thống hầm ngầm Hamas, dù nó có thể gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và nhân đạo với Dải Gaza.

Năng lực tác chiến được Hamas tăng cường trong những năm qua đã gây ra thiệt hại ngày càng lớn đối với IDF. Trong xung đột năm 2008, IDF mất 9 binh sĩ, con số này tăng lên 66 vào năm 2014. Sau hai tháng mở chiến dịch nhằm vào Dải Gaza để trả đũa Hamas, 86 binh sĩ Israel đã thiệt mạng và con số dự kiến tiếp tục tăng.

Sau xung đột quanh Dải Gaza năm 2021, Hamas và nhóm vũ trang đồng minh là PIJ vẫn duy trì được 40% kho rocket của nhóm, theo Viện An ninh Quốc gia Do Thái có trụ sở tại Mỹ. Kho rocket này trở thành mục tiêu ưu tiên của IDF trong chiến dịch hiện nay.

Baraka, quan chức của Hamas, tuyên bố mục đích cao nhất của vụ đột kích ngày 7/10 là giải phóng tất cả 5.000 tù nhân Palestine đang bị Israel giam, ngăn các cuộc đột kích của lực lượng Israel vào thánh đường Al Aqsa ở Jerusalem, cũng như dỡ bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza kéo dài 16 năm.

Ông Baraka cảnh báo nếu Mỹ và Anh tiếp tục ủng hộ chiến dịch tiến công trên bộ nhằm vào Dải Gaza của Israel, xung đột có thể lan rộng ra toàn khu vực. “Đây không còn là cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza”, ông Baraka nói. “Những mặt trận mới sẽ được mở ra”.

Theo Nguyễn Tiến/VNE (Reuters)

Đọc thêm

Bước chân người lính tràn đầy niềm tin

Bước chân người lính tràn đầy niềm tin

Với chất lượng tuyển chọn cao, những thanh niên Hà Tĩnh đang thực hiện khát vọng và trách nhiệm với quê hương, đất nước, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, trí tuệ, làm tròn trách nhiệm của công dân với Tổ quốc.
Tiếp bước cha anh, hát vang khúc quân hành…

Tiếp bước cha anh, hát vang khúc quân hành…

Tiếp bước cha anh, 1.568 người con ưu tú trên quê hương Hà Tĩnh đã nô nức lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hành trang của những người lính trẻ mang theo là hình bóng quê hương thân yêu, những lời hứa danh dự với người ở lại, dòng máu cách mạng luôn sục sôi, sức trẻ đầy khát khao cống hiến và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng…
Tổ quốc gọi thanh niên sẵn sàng

Tổ quốc gọi thanh niên sẵn sàng

Trong không khí trang trọng, các tân binh Hà Tĩnh bịn rịn chia tay gia đình, người thân, nhưng ánh mắt rạng ngời quyết tâm. Những cái ôm chặt, những lời dặn dò đầy yêu thương tiếp thêm động lực để họ vững bước lên đường, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc.
Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ

Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ

Nghị định số 16/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
Thanh niên Hà Tĩnh háo hức chờ ngày lên đường tòng quân

Thanh niên Hà Tĩnh háo hức chờ ngày lên đường tòng quân

Ngày 14/2 tới, 1.300 công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ở 12 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh sẽ lên đường làm nhiệm vụ. Qua nắm bắt, hầu hết công dân trúng tuyển đã cơ bản thu xếp xong việc riêng, háo hức chờ ngày lên đường trong tâm thế sẵn sàng.
Biên cương bình yên

Biên cương bình yên

Dưới sự bảo vệ của những người lính quân hàm xanh, biên cương Hà Tĩnh đón xuân Ất Tỵ 2025 trong đầm ấm, yên bình. Năm mới, khí thế mới, quân và dân vùng “phên dậu” tiếp tục đoàn kết, chung sức phát triển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Những người lính đón Tết giữa trùng khơi

Những người lính đón Tết giữa trùng khơi

Dù đón Tết giữa trùng khơi, song những người lính Hải đội 102 (đóng tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn hạnh phúc, tự hào, sát cánh cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Tết của lính cảnh sát biển ở Hà Tĩnh

Tết của lính cảnh sát biển ở Hà Tĩnh

Tết nơi đầu sóng của các cán bộ, chiến sỹ Hải đội 102 - Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 (đóng tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) dù có phần đơn sơ, giản dị nhưng lại tràn ngập niềm tự hào, chan chứa tình đồng đội, tình quân dân.