Quả na, thứ quả quen thuộc ở những miền quê Hà Tĩnh. Ảnh: Internet
Quả từ đâu ra
Cháu sống ở thành phố
Nghỉ hè về thăm ông
Như lạc vào cõi lạ
Áo cũng thơm hương đồng
Ông dắt cháu ra vườn
Chao ôi! Thích thích quá
Chuối ôm từng nải quả
Mít lặc lè bồng con!
Ơ kìa mấy quả na
Ngủ quên trên cành bé
Lại thêm bầy chim sẻ
Đến vườn cùng hát ca
Quả ổi tròn căng mọng
Vàng hươm như cọng rơm
Bỏ vào túi thật kín
Vẫn thơm ơi là thơm!
Có mẹ gà cục tác
Quả trứng chờ gà con
Có chị vịt cạc cạc
Quả trứng lăn góc vườn
Cháu tròn mắt hỏi ông:
- Quả từ đâu mà có ?
- Quả do gà vịt đẻ
- Quả cây trồng gửi trao
- Còn quả bóng cháu đá
Ông ơi ai đẻ ra?
(Nguyễn Văn Thanh).
Ông và cháu. Ảnh: Internet.
Nguyễn Văn Thanh là tác giả viết cho thiếu nhi với các thể loại thơ và văn xuôi. Ông có thế mạnh là gắn bó với đời sống nông thôn, gần gũi với thiên nhiên và phát hiện tinh tế các cảnh vật quanh mình. Từ đó, ông dành cho các em những trang viết hấp dẫn và hồn hậu.
Hấp dẫn bởi các chi tiết thật sống động và tươi mới, phù hợp với tư duy của các em. Hồn hậu bởi tấm lòng người ông với các cháu. Bài thơ ‘‘Quả từ đâu ra“” là một trong những thi phẩm trĩu nặng yêu thương, là “quả thơ” xinh xắn và ngọt ngào bởi sắc hương, sắc nắng ấm áp của tình người.
Mở đầu bài thơ là lời dẫn chuyện: “Cháu sống ở thành phố/ Nghỉ hè về thăm ông/ Như lạc vào cõi lạ/ Áo cũng thơm hương đồng”. Cái “cõi lạ” với cháu là thế giới thân quen của ông, khu vườn nhà ông có biết bao thứ quả.
Câu thơ “Áo cũng thơm hương đồng” là một phát hiện thú vị. Hương đồng đây là hương lúa, là ngọn gió đồng thổi vào vườn. Từng chùm quả trong vườn ông không chỉ được hút phù sa màu mỡ của đất vườn mà còn được tắm trong ngọn gió mát lành mang vị đồng vị ruộng.
Cái độc đáo của tứ thơ là ông đưa cháu từ cái số đông, cái sum vầy tròn đầy: “Chuối ôm từng nải quả/ Mít lặc lè bồng con” đến cái số lẻ cái cá thể: “Ơ kìa mấy quả na/ Ngủ quên trên cành bé”. Cái động thái “bồng con” của cây mít gợi lên dáng bà, dáng mẹ, gieo vào tâm hồn các cháu lòng biết ơn với người trồng cây ra quả.
Ống kính tâm hồn của người thi sĩ đã đặc tả cận cảnh hình ảnh quả ổi: “Quả ổi tròn căng mọng/ Vàng hươm như cọng rơm”. Là một liên tưởng không chỉ cảm nhận được bằng vị giác mà cả thị giác nữa.
Cấp độ cảm xúc còn nâng lên ở khứu giác: “Bỏ vào túi thật kín/ Vẫn thơm ơi là thơm”. Bài thơ không tả người mà thấy người, qua tiếng reo hồ hởi và trong trẻo của cháu - mối giao cảm thân thiện, hài hòa mà thật tự nhiên.
Với nhiều người, ký ức tuổi thơ luôn có hình bóng người ông. Ảnh: Internet
Nhưng, tất cả các hình ảnh trên diễn ra để làm nền cho cái phông sân khấu thật sinh động khi cháu phát hiện ra mẹ gà và chị vịt đẻ trứng - những quả trứng tròn như quả trên cây. Chỉ một câu hỏi làm cho không khí bài thơ tươi tắn hẳn lên: “Cháu tròn mắt hỏi ông/ Quả từ đâu mà có?”.
Cái hay của bài thơ chính là ở lời giải thích của ông: “Quả do gà vịt đẻ/ Quả cây trồng gửi trao” và lời thắc mắc hồn nhiên của cháu: “Còn quả bóng cháu đá/ Ông ơi ai đẻ ra?”. Đẻ ra quả bóng thật thú vị vô cùng, tất cả đều sinh sôi nảy nở, mở ra bao liên tưởng mới, nới rộng không gian khu vườn.