Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu, cho biết ông được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy lực lượng làm nhiệm vụ tại Myanmar. Cơ cấu đoàn gần giống với lần đi cứu trợ thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ, gồm bộ phận chỉ huy; thông tin tuyên truyền; lực lượng cứu hộ thuộc Bộ tư lệnh Công binh và huấn luyện viên, chó nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và quân y.
Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị về việc cử lực lượng tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật đã phối hợp với Cục Quân lực tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, các đơn vị tập trung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn và bảo đảm hàng cứu trợ cho nước bạn.
Cục Đối ngoại sẽ hỗ trợ về thủ tục xuất, nhập cảnh; phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân và các hãng hàng không dân dụng tổ chức đưa lực lượng đi làm nhiệm vụ, trang thiết bị và hàng hóa cứu trợ đến khu vực tâm chấn.

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó tổng Tham mưu trưởng, nói việc cử lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Myanmar thể hiện trách nhiệm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Cục Đối ngoại, Binh chủng Công binh, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và các đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, làm thủ tục nhanh nhất để lực lượng làm nhiệm vụ có thể lên đường vào ngày 30/3.
Các cơ quan, đơn vị cần chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện, trang bị kỹ thuật, ưu tiên phương tiện có tính lưỡng dụng, dễ cơ động, mang vác; bảo đảm tốt hậu cần, vật tư, hàng hóa, hàng viện trợ. Lực lượng làm nhiệm vụ chú trọng phối hợp với các lực lượng quốc tế, chính quyền và người dân bản địa, để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và người dân Myanmar.

Ngoài ra, đại tá Nguyễn Minh Khương, Cục phó Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cũng dẫn đoàn công tác lên đường tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar. Trong đó có 2 cán bộ đối ngoại, phiên dịch; một bác sĩ; 22 cán bộ nghiệp vụ, 2 chó nghiệp vụ cùng các phương tiện, dụng cụ phục vụ cứu hộ.
Theo đại tá Khương, các cán bộ trong đoàn là những chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm và từng tham gia cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất. Đoàn sẽ mang theo khoảng 10 tấn trang thiết bị cứu nạn cứu hộ, thuốc men, vật dụng y tế và đồ ăn ban đầu cho cán bộ chiến sĩ.
Dự kiến, đoàn sẽ có mặt tại Myanmar vào tối 30/3 và làm việc trong khoảng 10 ngày để tham gia tìm kiếm người, khám chữa bệnh và các hoạt động khắc phục hậu quả. Các công việc sẽ dựa theo yêu cầu của phía Myanmar và phù hợp với chuyên môn, khả năng của đoàn.
Trận động đất 7,7 độ ngày 28/3 tại miền Trung Myanmar đã gây ra ít nhất 10 dư chấn với cường độ từ 2,8 đến 7,5. Hậu quả là hơn 1.600 người chết và hàng trăm người mất tích. Việt Nam cách xa tâm chấn hàng nghìn km cũng ghi nhận rung lắc.