Chiều 12/11, với 451/453 đại biểu tán thành (93,37%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Với 93,37% đại biểu nhấn nút tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. |
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Quốc hội giao tổng thu ngân sách Nhà nước là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tổng chi là hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 234.800.000 triệu đồng (tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước GDP); Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 488.921.352 triệu đồng.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trước khi đại biểu bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về dự toán ngân sách năm 2020, một số đại biểu đề nghị ưu tiên điều chỉnh mức tăng lương cao hơn cho những người về hưu trước năm 1993 vì đây là nhóm đã nghỉ hưu có mức bình quân hưởng lương hưu thấp nhất.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đúng như ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, những người về hưu trước năm 1993 có mức bình quân hưởng lương hưu thấp.
Do đó, việc có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng này là cần thiết, song cần có tổng kết về số lượng, phạm vi hỗ trợ để xây dựng dự kiến kinh phí bố trí cũng như bảo đảm chính sách hỗ trợ lâu dài, phù hợp với khả năng NSNN.
“Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp với kế hoạch cải cách tiền lương từ năm 2021 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng này” – ông Nguyễn Đức Hải cho biết.