Quốc hội Thái Lan bầu thủ tướng mới

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, sáng 22/8, Quốc hội Thái Lan triệu tập phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện để bầu thủ tướng mới. Đây là nỗ lực thứ 3 của Quốc hội Thái Lan nhằm bầu chọn một thủ tướng mới kể từ sau cuộc tổng tuyển cử cách đây hơn 3 tháng.

Quốc hội Thái Lan bầu thủ tướng mới

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Thái Lan tại thủ đô Bangkok ngày 19/7/2023. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

An ninh đã được thắt chặt xung quanh tòa nhà Quốc hội với hàng trăm cảnh sát chống bạo động được triển khai để bảo vệ trật tự trị an. Mọi hoạt động biểu tình bị cấm trong vòng bán kính 50 m quanh toà nhà Quốc hội.

Trước đó, trong cuộc họp báo chiều 21/8, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) cùng 10 đảng khác đã công bố một liên minh nhằm thành lập chính phủ mới với tổng cộng 314/500 ghế Hạ viện và xác nhận ông Srettha Thavisin thuộc đảng Pheu Thai là ứng cử viên thủ tướng của liên minh.

Ông Srettha, 60 tuổi, không phải nghị sĩ nhưng là một trong 3 ứng cử viên thủ tướng mà đảng Pheu Thai đã đăng ký với Uỷ ban Bầu cử Thái Lan trước cuộc tổng tuyển cử 14/5.

Theo Hiến pháp Thái Lan, một ứng cử viên thủ tướng không nhất thiết phải là nghị sĩ Quốc hội. Ứng cử viên thủ tướng sẽ cần sự ủng hộ của đa số tối thiểu, tức 375 phiếu, của lưỡng viện Quốc hội gồm 749 thành viên để đắc cử.

Chủ tịch Quốc hội Wan Muhamad Noor Matha cho biết, tại phiên họp này, các nghị sĩ và thượng nghị sĩ sẽ được dành 5 giờ để thảo luận về ứng cử viên thủ tướng trước khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu vào lúc 15h00 cùng ngày. Và cũng như ở vòng bỏ phiếu đầu tiên với trường hợp ứng cử viên thủ tướng Pitha Limjaroenrat của đảng Move Forward (Tiến bước – MFP), ông Srettha sẽ chỉ được đề cử và đưa ra bỏ phiếu một lần duy nhất. Nếu không giành được ít nhất 375 phiếu ủng hộ từ lưỡng viện Quốc hội, ông Srettha sẽ phải nhường cơ hội này cho một ứng cử viên khác.

Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters của Anh cho biết theo một cảnh quay được phát sóng trên truyền hình ngày 22/8, một máy bay được cho là chở cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Bangkok.

Cảnh sát cho biết ông Thaksin, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính và bỏ tù vắng mặt năm 2008 vì lạm quyền, đã sống lưu vong 15 năm và sẽ bị giam giữ khi về nước.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/7, Tổng thư ký nhóm vũ trang Hezbollah Sheikh Naim Qassem đã bác bỏ lời kêu gọi của Chính phủ Liban về việc giải trừ vũ khí, đồng thời ông cũng kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ nước này.