Đối với Luật Thủy lợi, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, vấn đề quản lý vận hành công trình thủy lợi, thủy điện vùng giáp ranh giữa các tỉnh cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp trong quá trình vận hành nhằm thực hiện đúng và đầy đủ quy trình; về vấn đề phí tạo nguồn còn nhiều bất cập, để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp thì dự thảo Luật nên bổ sung các chính sách ưu đãi hoặc miễn giảm phí tạo nguồn.
Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu góp ý
Đại biểu Lê Anh Tuấn cũng đề nghị trong dự thảo Luật cần phát huy hơn nữa tính “lợi” của “thủy” để “thủy lợi” không phải là “thủy hại”; ở Điều 9 quy định điều tra cơ bản thủy lợi chỉ mới đề cập đến nội dung điều tra, trách nhiệm điều tra cơ bản, thẩm quyền phê duyệt, công bố, quản lý kết quả điều tra cơ bản chứ chưa có nội dung đề cập đến thời hạn điều tra cơ bản là bao lâu, kết quả phục vụ điều tra như thế nào để có căn cứ thực hiện. Nên tiến tới xã hội hóa công tác điều tra cơ bản thủy lợi.
Điều 16 quy định về nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trong dự thảo chỉ mới đưa ra được quy định về công trình có quy mô lớn, vừa và nhỏ chứ chưa đưa ra được nội hàm của khái niệm này; đề nghị nên quy định một cách rõ ràng hơn trong Luật và không nên giao Chính phủ quy định.
Tại Điều 32 quy định về hợp đồng cung ứng dịch vụ, đại biểu cho rằng không nên quy định trong Luật này.
Tại khoản b và e của Điều 49 của dự thảo Luật quy định về vấn đề xả thải, song, tại Điều 39 của Luật Tài nguyên nước đã quy định tổ chức cá nhân xả thải vào nguồn nước phải được các cơ quan có thẩm quyền là Bộ TN&MT và UBND tỉnh cấp phép; như vậy, cùng một hoạt động xả thải nhưng phải thực hiện 2 thủ tục hành chính ở 2 cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành khác nhau gây nên sự chồng chéo trong quá trình thực hiện
Về Luật Du lịch (sửa đổi), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, việc thành công của một doanh nghiệp du lịch hay một quốc gia muốn phát triển du lịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố con người, nguồn nhân lực du lịch đòi hỏi công tác đào tạo du lịch cũng phải được quan tâm đầu tư.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu
Theo thống kê và dự báo, mỗi năm ngành du lịch cần thêm 40 ngàn lao động, trong khi ngành đào tạo du lịch chỉ có 60 trường đại học đào tạo chuyên ngành du lịch, 80 trường cao đẳng, 117 trường trung cấp đào tạo nghề du lịch. Hàng năm, cũng chỉ có thể cung ứng được dưới 20 ngàn sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường, trong đó cũng chỉ có dưới 15% tốt nghiệp đại học và cao đẳng chuyên ngành du lịch. Cũng theo thống kê và dự báo, năm 2016, chúng ta cần 660 ngàn lao động du lịch và đến năm 2020 phải cần tới xấp xỉ 900 ngàn lao động du lịch qua đào tạo
Trong Luật Du lịch 2005, chỉ có ít chữ, vài dòng đề cập tới đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch: điều 6, điểm 3 về chính sách phát triển nhân lực có nêu: “Nhà nước bố trí ngân sách… cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch”; điều 10: nội dung quản lý nhà nước về du lịch, điểm 4 “Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ”.
Trong dự thảo Luật sửa đổi có thêm được một số điều: Điều 3, giải thích từ ngữ, điểm 14, “nhân lực du lịch”; điều 7, “Hiệp hội du lịch” điểm 2 có bổ sung thêm: “tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về du lịch”.
Đề nghị Ban soạn thảo Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung thêm thành chương riêng: “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch” tạo điều kiện cơ sở pháp lý hỗ trợ cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường và hội nhập.
Cụ thể, Chương I, điều 3, giải thích từ ngữ: nên xem lại một số thuật ngữ. Do Khoản 5, quy định về tài nguyên du lịch “là các giá trị văn hóa và tự nhiên sử dụng cho mục đích du lịch” nên điều 8 quy định về sản phẩm du lịch “là tập hợp các giá trị tài nguyên du lịch và dịch vụ cần thiết nhằm thõa mãn nhu cầu của khách du lịch” là chưa đầy đủ và bao quát hết được phạm vi điều chỉnh của sản phẩm du lịch, vì sản phẩm du lịch ngoài dịch vụ, tài nguyên du lịch còn bao gồm cả hàng hóa (hàng hóa được coi là mặt bề nổi của du lịch), do vậy xin đề xuất sửa điều này như sau: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ, hàng hóa và các giá trị tài nguyên du lịch được cung cấp nhằm thõa mãn nhu cầu của khách du lịch”.
Khoản 10, kinh doanh lữ hành được quy định là: “việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch”. Do đặc thù kinh doanh và khách du lịch quốc tế khác với trong nước, nên đề xuất bổ sung làm rõ thuật ngữ: “kinh doanh lữ hành quốc tế” và “kinh doanh lữ hành nội địa”.
Điều 6, quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, dự thảo Luật chỉ viết một câu :“1. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động du lịch Việt Nam”. Chưa rõ nội dung về Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp gồm nội dung gì, nguồn hình thành ra sao, phương thức hoạt động như thế nào thì khoản 2, giao cho Chính phủ quy định toàn bộ. Theo tôi, việc quy định như thế này là chưa thỏa đáng, chưa tuân thủ các nguyên tắc của việc xây dựng pháp luật là “rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và dễ sử dụng”
Điều 42, Hợp đồng lữ hành, khoản 2, quy định: “hợp đồng lữ hành phải được lập thành văn bản”, theo tôi là chưa phù hợp với xu thế phát triển trong điều kiện hiện nay. Sản phẩm du lịch rất đa dạng, có những sản phẩm tours trọn gói, có những sản phẩm mua từng phần dịch vụ. Đối tượng khách hàng rất đa dạng và từ nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau. Do đó, việc bắt buộc kí hợp đồng lữ hành bằng văn bản là không thực tế và gây khó khăn cho du khách. Trong khi đó, hoạt động thương mại điện tử và thành toán online đã trở thành một xu hướng của xã hội hiện đại. Chính phủ đang khuyến khích các ngành tăng cường các hoạt động thương mại điện tử. Xin kiến nghị dự thảo Luật không nên tiếp tục quy định bắt buộc hợp đồng lữ hành phải lập thành văn bản mà có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau. Để bảo vệ quyền lợi của du khách tránh những rủi ro cho du khách bởi những hành vi không minh bạch thì nên bổ sung các chế tài cho những công ty vi phạm.