Ông Phan Tấn Linh - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân: Nhân lên sức mạnh nội sinh trên vùng đất giàu tiềm năng văn hóa.
Nghi Xuân nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh, là vùng đất giàu trầm tích văn hóa với 83 di tích cấp tỉnh, 8 di tích cấp quốc gia và 1 di tích quốc gia đặc biệt; sở hữu các di sản văn hóa phi vật thể như: ca trù, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, trò Kiều, hát văn... Đặc biệt, ca trù Cổ Đạm là một trong những cái nôi ca trù của cả nước - loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh cần bảo vệ khẩn cấp.
Năm 2018, Nghi Xuân là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM; năm 2019, xây dựng Đề án huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch và năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án thí điểm tỉnh NTM của tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay, Nghi Xuân đã có 8/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 85/149 khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Diện mạo nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Cùng với phát triển KT-XH, Nghi Xuân luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với xây dựng bản sắc văn hóa con người Nghi Xuân. Phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch như: văn hóa, tín ngưỡng, sinh thái, nghỉ dưỡng... trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Từng bước phát triển toàn diện văn hóa, con người Nghi Xuân văn minh, thanh lịch, giàu bản sắc, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, đưa Nghi Xuân trở thành điểm đến hấp dẫn.
Tuần văn hóa Nguyễn Du là hoạt động được huyện Nghi Xuân tổ chức thường niên. Trong ảnh: Một tiết mục tại chương trình “Truyện Kiều với các loại hình nghệ thuật diễn xướng” trong Tuần văn hóa Nguyễn Du năm 2023.
Nghị quyết số 18 ra đời với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thiết thực đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghi Xuân tiếp tục khẳng định hướng đi, cách làm, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho bước phát triển tiếp theo của địa phương.
Trong đó, để đưa nghị quyết phát huy vai trò trong thực tiễn, Nghi Xuân sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, giá trị của lĩnh vực văn hóa; làm tốt công tác dự báo tình hình; phát huy tính năng động, nhạy bén, sáng tạo, chủ động, kiên quyết trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác hệ thống di tích; tăng cường quảng bá văn hóa giới thiệu về truyền thống văn hóa của địa phương; chú trọng phát triển du lịch bằng việc tạo các sản phẩm hấp dẫn dựa trên các giá trị văn hóa của địa phương.
Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn hoạt động tại các di tích, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, nhất là trong việc trùng tu, tôn tạo, quản lý thu và sử dụng tiền công đức; quan tâm huy động nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo, số hóa các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn các làng nghề truyền thống...
Ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh:Bồi đắp niềm tự hào về di sản văn hóa quê hương
Thời gian qua, Bảo tàng Hà Tĩnh đã sưu tầm, bảo quản hơn 13.000 hiện vật, tư liệu có giá trị; trong đó có nhiều di sản là bảo vật quốc gia, di sản được UNESCO ghi danh. Đồng thời, chúng tôi cũng đã tích cực quảng bá di sản thông qua các cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề, lưu động tại các lễ kỷ niệm, sự kiện trong tỉnh và cả nước; xuất bản ấn phẩm bằng hình thức sách và trên nền tảng công nghệ số; tổ chức các hội thảo khoa học, đề tài nghiên cứu về các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tư liệu...
Các hoạt động đã mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Bảo tàng Hà Tĩnh vẫn chưa được xây dựng riêng khiến việc thực hiện các chức năng gặp nhiều hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của một thiết chế cấp tỉnh.
Nghị quyết số 18 đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa, con người xứng với tiềm năng của quê hương núi Hồng - sông La. Nghị quyết đã đề cập và thể hiện quyết tâm trong giải pháp ban hành các cơ chế chính sách, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh, trong đó có việc hoàn thành xây dựng Bảo tàng tỉnh. Đây là cơ sở để chúng tôi phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của đơn vị.
Song song với những kế hoạch triển khai thường niên như: sưu tầm, nghiên cứu khoa học, tổ chức trưng bày chuyên đề “Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh, “Cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh và UNESCO vinh danh..., Bảo tàng Hà Tĩnh cũng đã lên kế hoạch để quảng bá rộng rãi và hiệu quả hơn các di sản văn hóa quê hương. Đặc biệt, chúng tôi tập trung cao cho việc quảng bá, giới thiệu 3 di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh là Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và các di sản khác.
Du khách xem Triển lãm Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng tiêu biểu của huyện Can Lộc, do Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp Ban quản lý KDL chùa Hương Tích tổ chức dịp đầu năm 2024.
Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch trưng bày giới thiệu di sản văn hóa làng Trường Lưu tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) với nhiều hình ảnh, bản text giới thiệu di sản, các hiện vật gốc và tài liệu khoa học phụ trợ trong thời gian tới. Sau khi kế hoạch triển khai Nghị quyết số 18 được ban hành, Bảo tàng tỉnh sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng dự án số hóa các tài liệu, hiện vật đang được bảo quản nhằm phục vụ việc quảng bá, khai thác tư liệu, phục vụ phục chế tư liệu... Qua đó góp phần lan tỏa hơn nữa các giá trị di sản núi Hồng - sông La.
Ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh: “Cú hích” để du lịch Hà Tĩnh phát triển.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh, thành giàu tiềm năng văn hóa của cả nước. Chỉ tính trong 7 danh nhân của Việt Nam được UNESCO vinh danh, Hà Tĩnh có 2 người với 2 phương diện độc đáo khác biệt. Đó là Đại thi hào Nguyễn Du về lĩnh vực văn học và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác về y học. Ngoài ra còn có rất nhiều danh nhân nổi tiếng trong cả nước qua các thời kỳ...
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di sản vật thể, phi vật thể đa dạng, giàu giá trị. Mỗi miền quê núi Hồng - sông La cũng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, mang bản sắc riêng. Tất cả là nguồn tài nguyên, kho báu để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tương thích với xu thế hiện đại của thế giới, thu hút du khách.
Ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Tĩnh.
Phát triển du lịch gắn liền với quảng bá các giá trị di sản văn hóa quê hương. Và ngược lại, từ du lịch đưa vẻ đẹp của truyền thống văn hóa Hà Tĩnh lan tỏa khắp mọi miền được đề ra trong giải pháp của Nghị quyết số 18, theo tôi là một điều đúng đắn và phù hợp.
Thời gian qua các sản phẩm du lịch dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống có sẵn đã được xây dựng góp phần phát triển văn hóa. Tuy nhiên, kết quả đạt được chỉ mới bước đầu, chưa có nhiều sản phẩm nổi bật, chưa thực sự khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của quê hương để thu hút du khách một cách rộng rãi. Nghị quyết số 18 ra đời với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó có giải pháp: tạo dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch đặc sắc là một “cú hích”, để ngành du lịch Hà Tĩnh tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn ở bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê), một sản phẩm được Hiệp hội du lịch tư vấn cho địa phương xây dựng.
Sau khi Nghị quyết số 18 được ban hành, Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh đã bắt tay chủ động xây dựng nhiều kế hoạch để cùng với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quyết tâm thực hiện các nội dung một cách hiệu quả.
Trong đó, hiệp hội sẽ tư vấn, phối hợp với Sở VH-TT&DL tăng cường tổ chức các cuộc thi nâng cao trình độ năng lực, ứng xử văn hóa trong môi trường du lịch, thể hiện vẻ đẹp văn hóa, con người Hà Tĩnh với du khách gần xa. Hiệp hội đã và đang tiếp tục tham mưu, tư vấn cho các địa phương, đơn vị xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo phù hợp xu thế 4.0, mang bản sắc cộng đồng, khai thác những giá trị văn hóa bản sắc của di tích, danh thắng, danh nhân... Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị quảng bá văn hóa quê hương thông qua các sản phẩm du lịch hấp dẫn đã được xây dựng.
Ông Phạm Xuân An - công chức văn hóa xã Hương Minh (Vũ Quang): Cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho phát triển văn hóa ở cơ sở.
Những năm qua, công tác văn hóa ở Hương Minh đã có nhiều khởi sắc. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển khá tốt, nhiều thôn đã thành lập câu lạc bộ dân vũ, dân ca ví, giặm, đội bóng đá, bóng chuyền. Các nhà văn hóa thôn đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa. Người dân, con em địa phương cũng tích cực quyên góp, ủng hộ cơ sở vật chất cho nhà văn hóa thôn. Phần lớn khu dân cư đều thực hiện tốt các hương ước, quy ước, tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa. Năm 2023, toàn xã có 8/8 thôn đạt thôn văn hóa, 682 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm tỉ lệ 93,8%); có 32 hộ đạt gia đình văn hóa tiêu biểu.
Ông Phạm Xuân An - cán bộ văn hóa xã Hương Minh (Vũ Quang).
Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở địa phương cũng đã đi vào nền nếp. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng lên. Các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, giáo dục giá trị lịch sử, văn hóa quê hương...
Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của một số người dân trên địa bàn còn hạn chế, coi nhẹ vấn đề văn hóa; việc đầu tư cho lĩnh vực này chưa được chú trọng, công tác chỉ đạo chưa thực sự kiên quyết. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” còn thiếu chiều sâu. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT triển khai theo mùa vụ, chưa thường xuyên, chưa khơi dậy được phong trào trong toàn dân. Nhận thức về văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa và các phong trào của một số ngành, đoàn thể, cấp ủy chi bộ chưa đầy đủ, công tác tổ chức, thực hiện có nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, dù nhu cầu xây dựng các thiết chế văn hóa ngày càng lớn song ngân sách hạn hẹp nên việc thực hiện các chủ trương về văn hóa còn nhiều khó khăn. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở đã được quan tâm nhưng chưa đáng kể.
Cụm dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh” tại tổ liên gia số 1, thôn Hợp Trùa (xã Hương Minh, Vũ Quang).
Với vai trò là một cán bộ văn hóa ở xã miền núi, theo tôi, để phát triển hơn nữa văn hóa ở vùng núi nói riêng toàn tỉnh nói chung cần quan tâm, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Kêu gọi, đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển văn hóa song hành cùng việc phát triển kinh tế. Tổ chức các hoạt động văn hóa cần đi vào thực chất, bền vững hơn, khơi dậy tinh thần văn hóa, văn nghệ trong Nhân dân. Bên cạnh đó, cần tăng mức đầu tư cho các hoạt động văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa liên quan.