Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch và nhà văn Đức Ban tặng hoa chúc mừng gia đình tác giả
Chùa cổ Hà Tĩnh là công trình khảo cứu công phu, gắn liền với công việc điền dã, tìm hiểu tư liệu trong nhiều năm của cố nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh.
Tập sách gồm 2 phần chính: Phần 1 - Khảo cứu chùa cổ Hà Tĩnh (với danh sách 417 ngôi chùa được xếp theo thứ tự ABC); phần 2 gồm các phụ lục (ảnh tư liệu về một số chùa cổ; thơ đề vịnh các nôi chùa cổ ở Hà Tĩnh và một số bài vè kể chuyện làm chùa, đúc chuông, bài viết Bước đầu tìm hiểu về Phật giáo xứ Nghệ).
Bằng một thái độ trân trọng đối với di sản dân tộc, trách nhiệm cao cả với quá khứ của cha ông, một tinh thần làm việc nghiêm cẩn, khoa học của tác giả, Chùa cổ Hà Tĩnh đã tái hiện khá đầy đủ quá trình ra đời, phát triển thăng trầm của 417 ngôi chùa ở Hà Tĩnh, trong đó, có những ngôi chùa chỉ còn là dấu tích.
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả Thái Kim Đỉnh đã sử dụng phương pháp điền dã, khảo cứu tại chỗ kết hợp tra cứu thư tịch cổ.
Ông còn trực tiếp dịch các câu đối, chữ Hán trên bệ thờ, văn bia, thơ vịnh… nên đảm bảo tính chính xác về tư liệu, có chiều sâu nghiên cứu.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch: Là công trình nghiên cứu nghiêm túc, là tư liệu quý, Chùa cổ Hà Tĩnh sẽ gợi mở nhiều vấn đề cho các thế hệ nghiên cứu văn hóa về sau. Tập sách đã làm giàu thêm giá trị văn hóa phi vật thể của Hà Tĩnh.
Tác phẩm đã phác họa một diện mạo về tín ngưỡng Phật giáo ở Hà Tĩnh qua nghìn năm lịch sử, góp một tiếng nói, một hành động thiết thực trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản của cha ông trên mảnh đất xứ Nghệ. Sự ra đời của tập sách cũng là món quá tinh thần vô giá đối với gia đình tác giả, là nén hương tri ân những đóng góp to lớn của ông đối với nền văn hóa tỉnh nhà.
Thái Kim Đỉnh (1926 – 2017, quê làng Tường Xá, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khảo cứu, nhà dịch thuật… uy tín và quen thuộc không chỉ đối với độc giả Hà Tĩnh mà còn với độc giả cả nước. Ông mất đi, xứ Nghệ thiếu vắng một cây bút, một vị trí không thể thay thế được. Suốt cuôc đời lao động cần mẫn của mình, Thái Kim Đỉnh đã để lại một kho tàng trước tác đồ sộ với 34 cuốn, bộ sách viết riêng; 25 cuốn, bộ sách khảo cứu, nghiên cứu viết chung; 35 cuốn, bộ sách biên soạn, sưu tầm. Trong đó có nhiều công trình tiêu biểu như: Truyện dân gian Nghệ Tĩnh, Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ, Làng cổ Hà Tĩnh, Tác gia Hán - Nôm Nghệ Tĩnh, Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh, Lễ hội dân gian ở Hà Tĩnh, Từ điển tiếng Nghệ… |