Rượu - “sát thủ” thầm lặng!

Không phải bây giờ mà hàng chục năm qua, rượu đã là “sát thủ” thầm lặng đối với không ít người khi lấy nó để mua vui hay “giải sầu” không có điểm dừng...

Trên toàn quốc, nhiều năm qua, đã có hàng ngàn người chết do bệnh tật, tai nạn giao thông mà nguyên nhân đều xuất phát từ rượu. Gần đây nhất, các vụ ngộ độ rượu do chất methanol vượt quá mức cho phép liên tục xảy ra dẫn tới những hậu quả đau lòng.

Bà N.T.N. điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK Hà Tĩnh do ngộ độc rượu

Có một điều nói mãi vẫn không bao giờ cũ: Nếu lạm dụng rượu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Các tế bào thần kinh trong não bộ rất nhạy cảm trước chất độc. Do đó, với lượng cồn lớn được đưa vào cơ thể sẽ làm cho não bộ không đủ chức năng kiểm soát.

Việc lạm dụng rượu còn làm cho cơ tim bị thoái hóa, huyết áp tăng, dẫn tới nguy cơ đột quỵ; ethanol gây viêm loét dạ dày.... Chưa hết, “sát thủ” thầm lặng này còn đưa con người “sớm gần đất xa trời” khi gan bị nhiễm mỡ, xơ gan, nghiêm trọng hơn là ung thư gan.

Cách đây hơn 2 thế kỷ, Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã cảnh báo về tệ nạn lạm dụng rượu của con người. Ông đã căn dặn mọi người nên dùng rượu gì, uống như thế nào cho thích hợp để vừa vui, vừa văn hóa, không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ngày nay, con người càng dễ tiếp cận với thông tin, lẽ ra cần khôn ngoan, tỉnh táo hơn để tránh xa những loại rượu không rõ nguồn gốc. Tiếc thay, tình trạng lạm dụng rượu đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi trên cả nước. Không ít quán rượu ở một số tỉnh, thành phố hoạt động thâu ngày, thâu đêm; thanh niên la hét, ẩu đả, gây mất trật tự công cộng.

Điều đáng nói hơn, một số cán bộ, công chức nhà nước do lạm dụng rượu đã giảm sút về đạo đức, sao nhãng nhiệm vụ, vô tổ chức, vô kỷ luật, phát ngôn “gây sốc” và ứng xử thiếu văn hóa.

Tại khu vực nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa, việc sử dụng rượu khi hiếu hỷ, ma chay đang tăng mạnh. Nhiều gia đình khánh kiệt tài sản và tan vỡ hạnh phúc vì chồng, con nghiện rượu nặng.

Trong dịp tết vừa qua, cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ tai nạn giao thông, trên 7.500 vụ ẩu đả, đâm chém nhau, nguyên nhân cơ bản vẫn là do rượu. Do đó, đối với những người quá lạm dụng rượu, gây hậu quả khôn lường cho xã hội, các cấp, ngành, địa phương phải có hình thức kỷ luật nặng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải tiếp tục xử phạt nghiêm những lái xe uống rượu bia vượt quá nồng độ cồn cho phép.

Đặc biệt, các cơ quan như chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, công an, quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát và phát hiện kịp thời những cơ sở sản xuất rượu “chui”, rượu giả, những đường dây buôn lậu rượu ngoại để truy tố trước pháp luật.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói