Cán bộ Hội LHPN tỉnh và huyện Kỳ Anh thăm mô hình sản xuất theo hướng an toàn của chị Lê Thị Thanh Duyện - Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Thượng (người ngoài cùng bên phải)
Khu vườn rộng 2 ha của chị Lê Thị Thanh Duyện - Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) đang là mô hình điểm về sản xuất an toàn cho chị em phụ nữ trong xã học tập. Với 3 loại cây trồng chính là chè công nghiệp, cây ăn quả và rau màu, mỗi năm, chị thu trên 200 triệu đồng.
Chị Duyện cho biết, chè sản xuất theo quy trình VietGAP, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; còn cây ăn quả, rau màu nhờ có tiếng thơm là sản phẩm an toàn nên khách trong và ngoài xã đến mua tận vườn.
Cùng với vườn chè sản xuất theo quy trình VietGAP nói không với thuốc diệt cỏ, gia đình chị Duyện mua chiếc máy phay đất đa năng để làm sạch cỏ cho cả khu vườn. Để phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả và rau màu, chị dựa vào các bình ngâm thuốc sinh học tự chế với 3 loại gia vị: Tỏi, gừng, ớt ngâm cùng rượu trắng.
Vườn rau của chị Duyện rất đắt hàng vì được người tiêu dùng yên tâm lựa chọn
Sau khi được xem mô hình của Chủ tịch Hội LHPN xã, lại thường xuyên được tuyên truyền về sản xuất sạch để bảo vệ môi trường sống trong lành, đến nay, trên địa bàn xã đã có 70% chị em phụ nữ từng bước áp dụng. Chị em hy vọng tạo nên thương hiệu nông sản Kỳ Thượng thân thiện, an toàn, từ đó sẽ có đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Xu thế sản xuất an toàn cũng là điểm chung để Tổ hợp tác Trồng ổi an toàn (13 thành viên) ở thôn Đình Phùng, xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) ra đời từ cuối năm 2018 đến nay. Từ mô hình điểm của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy với 400 gốc ổi, đã phát triển thêm 12 hộ có quy mô từ 100 - 150 gốc/hộ cùng áp dụng quy trình sản xuất an toàn.
Sản phẩm thuốc phòng trừ sâu bệnh tự chế bằng các loại gia vị được các hộ trong Tổ hợp tác trồng ổi sử dụng hiệu quả
Theo đó, quả ổi từ khi còn nhỏ đã được bọc lớp bao chuyên dụng để hạn chế sâu bệnh, côn trùng phá hại. Trong suốt quá trình sản xuất, các hộ trồng ổi cùng nhau sử dụng sản phẩm sinh học tự chế (tỏi, gừng, ớt ngâm nước lạnh, khi chuẩn bị phun thì chế thêm rượu) để phòng trừ sâu cuốn lá, sâu vẽ bùa; sử dụng vôi bột để phòng rệp sáp trắng cho cây ổi.
Ổi sạch nhờ sử dụng sản phẩm sinh học tự chế
Đến nay, phần lớn các hộ trong tổ hợp tác đều đã có sản phẩm bán ra thị trường, cùng với thương hiệu sản xuất an toàn, việc tiêu thụ hiện khá ổn định.
Chị Nguyễn Thị Thủy - người đặt nền móng cho Tổ hợp tác Trồng ổi an toàn cho biết, gia đình chị mỗi tháng bán được hơn 3 tạ ổi với giá 25 ngàn đồng/kg, thu hơn 7,5 triệu đồng, cùng với các loại cây ăn quả khác, mỗi năm, khu vườn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Theo tổng hợp của Hội LHPN tỉnh, đến đầu năm 2019, ngoài mô hình cá nhân, các cấp hội đã vận động, thành lập hơn 20 mô hình kinh tế tập thể SXKD, chế biến thực phẩm an toàn.
Sản phẩm của THT “Sản xuất rau an toàn” tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà tham gia Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh tháng 12/2018
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Dương Thị Hằng cho biết: Năm 2019, hội phụ nữ các cấp phát động năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, trong đó, an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong 3 nội dung hành động của các cấp hội. Gắn với thực hiện Đề án 938 của Trung ương Hội về “Tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”, hội sẽ tập trung vận động phụ nữ và các hộ gia đình nâng cao ý thức về thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ, tư vấn xây dựng và giám sát các mô hình SXKD nông sản, thực phẩm an toàn.