Sáng mãi những "ngọn đèn" đứng gác barie Đồng Lộc

Trong số 11 chiến sỹ của Tiểu đội CSGT anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc ngày ấy, có 6 người quê Hà Tĩnh. Người đã mất, người còn thì cũng đã già yếu, nhưng với họ, những năm tháng ác liệt ở chiến trường Đồng Lộc vẫn vẹn nguyên một khí thế hừng hực “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cho một ngày thống nhất non sông…

Sáng mãi những “ngọn đèn” đứng gác barie Đồng Lộc

Một số thành viên Tiểu đội CSGT anh hùng trong ngày hội ngộ (7/2018). Từ trái sang: Nguyễn Đình Duyên, Phạm Văn Soát, Phan Đình Cương, Quán Văn Thiện, Nguyễn Trọng Hà, Nguyễn Văn Tịnh

Tháng 8/1968, chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Hà ở An Lộc (Can Lộc, nay là Lộc Hà) gia nhập lực lượng CSGT ở Ngã ba Đồng Lộc. Thời kỳ này, sau sự kiện tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường đánh phá miền Bắc, tìm mọi cách ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi tuyến quốc lộ 1A qua Hà Tĩnh bị bom đạn phá hỏng, thì con đường bộ quan trọng để tiếp viện cho miền Nam là 15A. Do đó, Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu, mạch máu giao thông duy nhất để nối liền Nam – Bắc, bởi thế, giặc Mỹ đã điên cuồng đánh phá ác liệt khu vực này. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 10/1968, địch đã trút xuống 48.600 quả bom các loại, chưa kể rốc-két và đạn 20mm…

Sáng mãi những “ngọn đèn” đứng gác barie Đồng Lộc

Ông Nguyễn Trọng Hà (trái) chia sẻ với PV về những năm tháng không thể nào quên ở chiến trường Đồng Lộc

Ở trận địa hết sức khốc liệt nhưng Nguyễn Trọng Hà cũng như bao đồng đội đã nhập cuộc một cách nhanh chóng, chẳng sá hy sinh, ngày đêm bám trụ để thông đường, cho những chuyến xe qua nhanh, kịp đến với tiền tuyến lớn miền Nam.

“Tiểu đội chúng tôi chia làm 3 nhóm: Khu vực cầu Bạng, Bắc Ngã ba Đồng Lộc và Nam Ngã ba Đồng Lộc. Ngoài nhiệm vụ chính là đảm bảo ATGT cho các đoàn xe vào Nam, ra Bắc thì chúng tôi còn phải tham gia thông đường, bảo vệ các yếu nhân đi qua, đặc biệt là tìm kiếm, phát hiện các loại thiết bị kỹ thuật mà địch thả xuống để thu thập thông tin, phát tín hiệu. Thời kỳ này, địch sử dụng một loại thiết bị gọi là cây nhiệt đới. Khi thả xuống, thường nó sẽ cắm sâu vào đất để thu thập âm thanh, chuyển động của ô tô… rồi phát tín hiệu, kéo máy bay đến ném bom…”, ông Nguyễn Trọng Hà nhớ lại.

Sáng mãi những “ngọn đèn” đứng gác barie Đồng Lộc

Sau Tết Mậu Thân 1968, Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm đánh phá của địch. Ảnh tư liệu

Sống trong mưa bom, bão đạn, không biết bao lần ông Hà cùng đồng đội thoát chết trong gang tấc. Song với ông, kỷ niệm để đời nhất đó là vào một đêm không trăng tháng 9/1968, khoảng 23h, toàn bộ tiểu đội được lệnh tập hợp cùng với các lực lượng khác như: TNXP, công binh, người dân địa phương, tập trung khắc phục gấp một đoạn đường đi qua làng Đại Đồng để cho một chuyến xe chở hàng đặc biệt vào Nam. 3h sáng thì thông đường, xe lên đến đỉnh đồi Truông Kén thì máy bay địch kéo đến bắn pháo sáng, phát hiện 2 xe, chúng liền bắn rốc-két vào đầu xe, rồi bỏ đi. Lúc này, ông Trần Quang Đạt - Trưởng ban Đảm bảo giao thông tỉnh yêu cầu gấp rút bốc toàn bộ két sắt trên xe xuống đi cất giấu.

Khi 2 chiếc két cuối cùng được ông Hà và đồng đội của mình là Phan Đình Cương, quê ở Bùi Xá (Đức Thọ) vác chạy khỏi trận địa thì cũng là lúc máy bay địch quay lại quần thảo ném bom khu vực đồi Truông Kén… “Không hiểu sao tôi và anh Cương lại khỏe đến thế, mỗi cái két nặng đến 2 người vác, thế mà chúng tôi mỗi đứa một két chạy băng băng, chỉ chậm khoảng dăm phút nữa thôi thì chắc chắc cả người lẫn két sẽ thành than với quân giặc…”, nhớ lại sự việc, ông Hà vẫn chưa hết bồi hồi.

Sáng mãi những “ngọn đèn” đứng gác barie Đồng Lộc

Ở cái tuổi đã quá thất thập, nhưng kỷ niệm về những năm tháng sống, chiến đấu nơi chiến trường Đồng Lộc ác liệt mãi mãi là quãng đời đẹp nhất đối với cựu CSGT Phan Đình Cương

Khác với ông Nguyễn Trọng Hà, sau này vẫn gắn bó với ngành công an, sống tại Hà Nội, trước khi về hưu là Đại tá, Hiệu phó Học viện Tình báo của Bộ Công an thì chàng trai Phan Đình Cương, sau ngày thống nhất đất nước thì chuyển ngành, không theo “binh nghiệp” nữa. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở TX Hồng Lĩnh, lần dở những kỷ vật của một thời máu lửa, ông Cương không khỏi xúc động khi nhắc lại những năm tháng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc.

“Khoảng tháng 6/1968, một lần tôi cùng tiểu đội trưởng Nguyễn Tiến Tuẩn đi kiểm tra đường từ Bắc Đồng Lộc đến Nam Đồng Lộc, đến gần eo Truông Kén không may trời đổ mưa xối xả, gió to, sấm sét đánh mạnh nên bom từ trường do máy bay địch thả xuống nằm trong lòng đất bật nổ do kích thích chấn động. Bom nổ tung tóe, trong lúc bí quá không có hầm ẩn nấp, hai anh em nhảy xuống mương, chui vào một cái cống đầy nước, bom ngưng nổ thì cả hai bụng đã no nước… chỉ cần kéo dài khoảng mươi phút nữa thôi thì có khi chết vì sặc nước… Ôi chao, hai anh em bò lên được khỏi cống mà ôm nhau tràn nước mắt…”, nhắc đến chuyện cũ, ông Cương không khỏi xúc động, rưng rưng nước mắt.

Sáng mãi những “ngọn đèn” đứng gác barie Đồng Lộc

Chiến sỹ CSGT Nguyễn Văn Tịnh (ảnh do nghệ sỹ Phan Thoan chụp vào tết 1969 tại ngã ba Đồng Lộc, lúc ông Thoan gặp ông Tịnh đang trên đường đi ngụy trang xe). Ảnh NV cung cấp.

Cùng với các đồng đội trong Tiểu đội CSGT, ông Nguyễn Văn Tịnh quê ở Kim Lộc (Can Lộc) luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, không chùn bước trước kẻ thù. Với ông trong nhiều lần đối diện với cái chết tại ngã ba Đồng Lộc, thì đêm 2/9/1969 mãi mãi là khoảng khắc không bao giờ quên “Đêm đó, tôi và anh Khương bên lực lượng quân đội trực ở barie ngã bã Khiêm Ích (Trung Lộc) đến khoảng 22h thì 2 chiếc F105, 1 chiếc F4 kéo tới ném bom, khiến cho hệ thống dây hữu tuyến nối Nam Đồng Lộc và Bắc Đồng Lộc bị đứt. Khi tôi và anh Khương bò lên cầu Tối (giữa ngã ba Đồng Lộc và ngã ba Khiêm Ích) nối dây thì một loạt bom nổ gần đó khiến cả hai tức ngực, hoa mắt ngã xuống… Không hiểu sao lúc ấy chúng tôi lại may mắn thoát chết…”, nhắc đến đây, dường như ông Tịnh vẫn chưa hết bàng hoàng.

Sáng mãi những “ngọn đèn” đứng gác barie Đồng Lộc

Đường Đồng Lộc - Đường Khe Giao hôm nay Ảnh: Trần Vũ

Chúng tôi may mắn được gặp lại 3 ông trong những hoàn cảnh khác nhau. 50 năm, sau những thăng trầm của lịch sử, những chiến sỹ của Tiểu đội CSGT anh hùng ở ngã ba tuyến lửa Đồng Lộc năm xưa giờ tuổi đã cao, sức đã yếu. Nhưng như bao người con đất Việt, như bao người con của sông La – núi Hồng kiên cường, bất khuất, họ đã gửi hết những năm tháng xuân xanh nơi chiến trường khốc liệt, vì tiền tuyến lớn miền Nam, vì một ngày thống nhất non sông…

Họ là những ngọn đèn đứng gác, trong ngàn vạn ngọn đèn – không bao giờ tắt, trong đêm trường ác liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để cùng đất nước và nhân dân Việt Nam đi đến ngày đất nước trọn vẹn thống nhất !

Ngoài tập thể 11 chiến sỹ của Tiểu đội CSGT Ngã ba Đồng Lộc anh hùng, cá nhân Tiểu đội trưởng Nguyễn Tiến Tuẩn cũng được phong danh hiệu cao quý này. Danh sách, quê quán 11 người gồm:

Tiểu đội trưởng: Nguyễn Tiến Tuẩn (Cẩm Dương – Cẩm Xuyên, đã mất); Trần Anh Đào (Sơn Hàm – Hương Sơn); Nguyễn Trọng Hà (An Lộc – Lộc Hà); Nguyễn Đình Duyên (Cẩm Bình – Cẩm Xuyên); Phan Đình Cương (Bùi Xá – Đức Thọ); Nguyễn Văn Tịnh (Kim Lộc – Can Lộc); Phạm Văn Soát (Thống Nhất, Gia Lộc, Hải Dương); Trương Quốc Lâm (Nam Định); Trần Đăng Hạng (Khoái Châu, Hưng Yên); Quán Văn Thiện (Lê Chân, Hải Phòng); Nguyễn Văn Thăng (Khoái Châu, Hưng Yên – đã mất).

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.