Chuyện tình của Anh hùng Vương Đình Nhỏ

(Baohatinh.vn) - Đã ngoài bảy mươi, nhưng người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu, trên đôi vai gầy guộc vẫn phải gánh bao nhiêu lo toan vất vả của gia đình. Chị là Trần Thị Luận ở xã Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) - vợ của Anh hùng Vương Đình Nhỏ.

“Tôi đến với anh bằng sự khâm phục”

Dưới chân núi Mòi, ngọn núi lịch sử mà nữ anh hùng La Thị Tám thường đứng đếm bom, bây giờ mọc thêm ngôi nhà ngói mới của gia đình anh hùng Vương Đình Nhỏ. Vườn nhà anh Nhỏ rộng khoảng vài sào, trong cái màu đất đỏ khé tôi chỉ thấy độc một màu xanh của sắn.

Chị Trần Thị Luận - vợ anh Vương Đình Nhỏ kể một cách hồ hởi về chuyện đơn vị Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn Hà Tây thương hoàn cảnh rủi ro của gia đình chị, xây tặng ngôi nhà tình nghĩa này. Tuy chưa phải khang trang, nhưng có được vài gian nhà bằng tường xây kiên cố và cửa gỗ ấm cúng để đặt được bức chân dung của anh lên bàn thờ, chị Luận cũng thấy mãn nguyện lắm rồi.

Chuyện tình của Anh hùng Vương Đình Nhỏ

Chị Luận (người ngoài cùng bên trái) viết lưu bút về chồng mình những ngày ở Ngã Ba Đồng Lộc

Chị Trần Thị Luận sinh ra và lớn lên ở xóm Trường Thành, xã Đồng Lộc. Tuổi thơ trong chiến tranh đã hằn sâu trong tâm trí chị, đó là quê hương chìm trong bom đạn và khói lửa ngút trời. Đó là Ngã ba Đồng Lộc có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, công an, dân quân tự vệ “đội bom”, để ngày đêm thông đường cho xe ra tiền tuyến. Trong tang tóc của Đồng Lộc có nỗi đau riêng của gia đình chị Luận. Cha của chị - ông Trần Ký hy sinh khi vừa “cắm tiêu” báo hiệu nguy hiểm cho bà con trên cánh đồng cạnh đường 15 xã Đồng Lộc .

-Thế chị quen anh Vương Đình Nhỏ trong trường hợp nào?

- Lúc đó, dân nhà nào có chỗ ở rộng thì tự giác thu xếp cho các đơn vị ở nhờ. Anh Nhỏ ở nhà bà Toa, cạnh nhà tôi nên tôi thường hay cõng em sang đó chơi. Tôi và bạn bè thường gọi anh bằng chú. Anh Nhỏ tính hiền lành, nhưng ít nói ít đùa. Nhìn anh, tôi có lúc ứa nước mắt. Bởi dáng người cao gầy, đôi mắt thâm quầng và da dẻ thì đen hơn cột nhà cháy. Áo quần lúc nào cũng khét lẹt mùi khói bom. Một lần tận mắt tôi chứng kiến, đơn vị giao thông vận tải đặt trước sân những chiếc quan tài sơn màu đỏ và làm lễ “truy điệu sống” cho cho những người “cảm tử quân” đi phá bom, trong đó có chú Nhỏ. Đêm đó tôi nằm mơ thấy chú Nhỏ bị bom vùi, tôi vội vã gào lên: “ Chú Nhỏ ơi! Chú đừng chết”. Lúc tỉnh giấc, nước mắt ướt đẫm cả gối”.

Chuyện tình của Anh hùng Vương Đình Nhỏ

Ngã ba Đồng Lộc năm 1968 (Ảnh tư liệu)

Càng ngày Luận càng cảm thấy phục anh, thương anh và càng muốn tiếp xúc gần gũi với anh Nhỏ nhiều hơn. “Tôi quen anh Nhỏ được hơn 1 năm, thì đơn vị “phá bom” của Ty giao thông Hà Tĩnh được lệnh điều chuyển đi nơi khác. Không hiểu sao tôi lại khắc khoải nhớ về người con trai quê ở Kỳ Thịnh (Kỳ Anh) ấy. Thế rồi, chẳng hiểu “trời xe, đất kết” làm sao, tôi đem lòng yêu anh”.

“Tôi biết anh Nhỏ, trước đây đã có vợ ở quê. Nhưng hai vợ chồng không hợp nhau nên ly hôn. Tôi thành thật nói: “Nếu anh thương Luận và chịu “ở rể’ tại nhà, thì Luận chấp nhận lấy anh”. Ban đầu anh Nhỏ không thể tin vì hai bên quá “chênh lệch” nhau về tuổi tác, hơn nữa anh là người đàn ông đã qua một lần vợ. Ngoài chuyện “phá bom” giỏi, Vương Đình Nhỏ chẳng có một món của hồi môn gì. Thế nhưng, tôi đã bước qua mọi dư luận để đi tới hôn nhân với anh”.

Ngày 19/9/1970, đoàn thanh niên xã Đồng Lộc đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho chị Luận và anh Nhỏ. Một đám cưới thời chiến rất đơn sơ, giản dị, nhưng đầy ắp tình bạn, tình đồng chí.

Vun đắp tổ ấm

Sau 1 năm chung sống hạnh phúc, chị Trần Thị Luận đã sinh đứa con gái đầu lòng trong hầm, việc cắt rốn và tắm gội cho con đã được bà hàng xóm có kinh nghiệm tận tình giúp đỡ. Hôm cháu Vương Thị Vân chào đời cũng là ngày anh Vương Đình Nhỏ suýt bị bom vùi. Khi về nhà xem gương mặt con, anh Nhỏ cười to và nói với mọi người : “Bữa ni là bữa tôi vui nhất vì phá được 9 quả bom ở 2 đoạn đường, thông đường cho hơn chục chuyến xe, đi cùng một lúc. Bất ngờ nhất, khi tôi đang chạy tới định phá tiếp một quả nữa thì nó phát nổ. Giờ được nhìn thấy “mẹ tròn con vuông”, tối ni không ăn cũng no”. Thời kỳ quá vất vả và gian khổ, đụng thứ gì thiếu thứ nấy. Có bánh xà phòng được cấp, anh Nhỏ cũng không dám dùng để đưa về vợ giặt đồ cho con.

Chuyện tình của Anh hùng Vương Đình Nhỏ

Dũng sỹ phá bom Vương Đình Nhỏ đã góp sức giữ mạch máu giao thông quan trọng, cho những chuyến xe vượt qua Ngã ba Đồng Lộc vào chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)

Năm 1972, chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt tại Ngã ba Đồng Lộc. Cho đến thời điểm ấy, dũng sỹ Vương Đình Nhỏ đã chỉ đạo và tham gia phá được 1.899 quả bom các loại. Không chỉ phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc, anh còn được cấp trên điều động đi phá bom ở Kỳ Anh, Cửa Sót, Thượng Gia, Khe Giao, Truông Kén.. Sau này, anh Nhỏ tâm sự với chị Luận, lần anh lo nhất là buổi trưa ở bến phà Linh Cảm. Nắng tháng sáu hôm đó, như muốn nấu sôi cả dòng nước sông La. Bất ngờ, 2 chiếc máy bay phản lực Mỹ bổ nhào xuống, thả 4 quả bom tấn vào ngay đầu bờ Bắc bến phà Linh Cảm. Trong lúc này, có một đoàn xe đặc biệt của cán bộ cao cấp quân đội cần vượt phà để đi công tác gấp ở Lào. Nếu chậm trễ, không những mọi kế hoạch bị đảo lộn, mà bom phát nổ sẽ có người thiệt mạng. Anh Nhỏ bình tĩnh, hướng dẫn anh em dùng dây kéo cho quả bom dịch chuyển sang bên mép đường, rồi lần lượt cõng từng người một qua phà. Sau đó, anh tiến hành tháo mấy quả bom tấn một cách mau lẹ, an toàn trong ánh mắt khâm phục của mọi người.

Mỗi lần hướng dẫn cho đồng đội phá bom, anh Nhỏ thường nhắc: “Thằng giặc thua không chỉ do ta có cục gan to, mà ta còn sáng kiến và mưu mẹo nữa”. Anh đã truyền đạt những sáng kiến ấy cho đồng đội: cách tháo đồng hồ ở bom từ trường như thế nào cho an toàn. Cách tiết kiệm thuốc nổ trong lúc phá bom vừa nổ được nhiều bom mà đường lại đỡ hư hỏng. Để đánh lừa mục tiêu của địch, Vương Đình Nhỏ và đồng đội đã dùng “lá cót” đóng thành những “chiếc ô tô giả”, rồi cài bóng điện vào. Địch cứ thấy ánh sáng là xả bom vào đấy.

Chuyện tình của Anh hùng Vương Đình Nhỏ

Di vật dụng cụ phá bom của Anh hùng Vương Đình Nhỏ (Ảnh tư liệu)

Vương Đình Nhỏ đã sống những ngày trong chiến tranh như thế. Người dũng sĩ này qua chiến tranh đã nuốt nước mắt, chôn bao nhiêu thi hài động đội.. . Sau chiến tranh, anh lại phải tự vượt mình trước những thử thách mới với cuộc mưu sinh cơm áo hàng ngày. Anh phải đối chọi với bệnh tật bản thân, với nghèo đói gia đình.

Năm 1977, anh được Ty Giao thông Hà Tĩnh làm thủ tục và cho hưởng chế độ hưu. Cuốn sổ gạo 13 kg mỗi tháng, cộng với số tiền lương hưu ít ỏi, khiến anh hàng ngày không khỏi suy tư, tính toán. Đủ khoai cho các con ăn lúc này đã là khó, chưa nói chi chuyện con trái gió trở trời. Gia đình anh Nhỏ có tới 6 miệng ăn, riêng 4 đứa con anh đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Để tìm lối thoát cho gia đình, Vương Đình Nhỏ đã lên xin phép chính quyền địa phương khai khẩn đất hoang trồng khoai, trồng sắn. Tận dụng gò bãi, gieo đậu lạc, cấy lúa, cả hai vợ chồng làm “đầu tắt, mặt tối” nhưng sản phẩm thu hoạch chẳng đáng được bao nhiêu. Một hôm, ông xóm trưởng đến nhà anh Nhỏ uống nước chè, chứng kiến gia cảnh khó khăn của gia đình bèn giao cho anh Nhỏ làm chân bảo vệ hoa màu cho hợp tác xã để có thêm khoản thù lao. Anh mừng lắm, một mình, một đèn pin, với đôi ủng đen, đêm đêm anh lội hết đồng xa, đồng gần.

Tuy cuộc sống gia đình có phần dễ chịu hơn trước, nhưng đói nghèo vẫn níu gót chân gia đình anh Vương Đình Nhỏ. Năm 1989, căn bệnh sỏi thận của anh tái phát, đã được các y, bác sĩ Bệnh viện huyện Can Lộc tiến hành phẫu thuật thành công. Sức khỏe anh dần hồi phục. Chị Luận cũng thấy mừng thầm trong bụng khi nuôi lợn nái, mấy vụ sắn khoai được mùa, nhà đã tậu được con trâu tốt để cày. Hai đứa con đầu biết tham gia cấy lúa, trồng khoai cùng bố mẹ.

Chị Luận bỗng nhiên chùng giọng : - Tưởng rằng gia đình khổ nhiều quá rồi, trời thương. Ai ngờ…

Ngày 26/1/1990, trong một lần tham gia phá bom giúp người dân ở bản Ka Tăng, xã Tân Phước (nay là thị trấn Lao Bảo, huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị) tháo gỡ bom để khai hoang đất sản xuất, không may một quả bom phát nổ và anh Vương Đình Nhỏ đã không qua khỏi.

Chuyện tình của Anh hùng Vương Đình Nhỏ

Con gái anh hùng Vương Đình Nhỏ, chị Vương Thị Thương hiện làm cán bộ thuyết minh tại phòng truyền thống Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh: Giang Nam)

Cái chết của Vương Đình Nhỏ trong lần phá bom thời hậu chiến làm nhói lòng vợ con, đồng đội và bạn bè thân hữu. Khi nhận được tin này, nhiều người đã vô cùng xót thương anh. Một thời gian sau, nhìn nhận lại những người đã có đóng góp hy sinh to lớn cho chiến trường Đồng Lộc, bác Nguyễn Tiến Chương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và bác Trần Quang Đạt, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cất công đi tìm hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Đảng và Nhà nước công nhận danh hiệu Anh hùng cho Vương Đình Nhỏ.

Hôm nay, nhân kỷ 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, bao nhiêu đồng đội cũ lại tìm về địa chỉ đỏ, ngậm ngùi nhắc tên anh. Cô con gái út của anh là Vương Thị Thương hiện làm cán bộ thuyết minh tại phòng truyền thống Khu di tích Nga ba Đồng Lộc rất tự hào khi được giới thiệu lại những chiến công huy hoàng của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có người cha kính yêu của mình.

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).